Giải pháp cho xuất khẩu ổn định, bền vững

15:34, 13/09/2008

Theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn, tình hình xuất khẩu của các đơn vị trên địa bàn Thái Nguyên từ đầu năm đến nay đạt khá, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực. Khu vực tăng cao nhất vẫn là các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay trên địa bàn Thái Nguyên có 22 đơn vị tham gia hoạt động xuất khẩu với các mặt hàng chủ yếu là chè các loại, hàng may mặc, thiếc tinh, quặng titan, dụng cụ y tế...8 tháng đầu năm 2008, giá trị xuất khẩu trên địa bàn ước đạt 77,82 triệu USD, bằng 114,4% kế hoạch, tăng 102% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của các đơn vị địa phương quản lý ước đạt 52,74 triệu USD, tăng 86,2%; xuất khẩu của các doanh nghiệp T.W ước đạt 25,08 triệu USD, tăng 146,2% so với cùng kỳ.

 

Theo đánh giá chung của các nhà chuyên môn, tình hình xuất khẩu của các đơn vị từ đầu năm đến nay đạt khá, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực. Khu vực tăng cao nhất vẫn là các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài. Riêng 6 tháng năm 2008 đã tăng 62,2%, sau đó là khu vực kinh tế Nhà nước tăng 54,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu truyền thống như chè, hàng dệt may, thiếc, quặng, tinh quặng xuất khẩu chững lại do giá cả biến động, đơn hàng nhỏ không đủ xuất khẩu.

 

Qua tìm hiểu thực tế ở một số doanh nghiệp được biết, tình hình thị trường xuất khẩu năm nay có nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi về cơ chế, chính sách thông thoáng, thị trường được rộng mở do hàng hoá của Việt Nam được hưởng quy chế Tối huệ quốc, không bị phân biệt đối xử, có điều kiện xâm nhập sâu vào thị trường lớn trên 150 nước; nhu cầu hàng hoá thế giới tăng và thị trường xuất nhập khẩu ổn định. Tuy nhiên, các đơn vị xuất khẩu của tỉnh cũng đứng trước khó khăn về vốn do ngân hàng hạn chế tín dụng; lãi suất tăng cao. Đối với thị trường hàng dệt may, những tháng đầu năm gặp khó khăn do ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ suy yếu nên hàng dệt may vào Mỹ giảm; giá xăng dầu tăng cao dẫn đến chi phí sản xuất cao; đồng USD giảm đã làm ảnh hưởng đến các mặt hàng xuất khẩu. Từ đó bắt buộc các doanh nghiệp phải tính toán có nên tham gia xuất khẩu và xuất khẩu ở mức nào là hợp lý.

 

Anh Vũ Dương Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Cương-Hoàng Bình cho biết: Sản phẩm xuất khẩu của Công ty là chè. Trong lúc khó khăn về vốn, ngân hàng hạn chế cho vay và nếu có vay được thì lãi suất cũng rất cao nên Công ty đã giảm lượng hàng xuất khẩu mà hướng vào thị trường nội tiêu. Vì thực tế cho thấy, sản phẩm chè Thái vẫn được người dân trong nước sử dụng nhiều. Từ đó, Công ty đã nghiên cứu đưa ra nhiều mẫu mã và các chủng loại chè khác nhau để đáp ứng nhu cầu của khách trong nước. Do vậy, sản lượng chè bán ra của Công ty vẫn cao, với doanh thu trên 30 tỷ đồng nhưng chủ yếu là nội tiêu.

 

Còn theo ông Nguyễn Ngô Quyết, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên thì: Cho đến hết tháng 6-2008, Công ty đã thực hiện kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 16 triệu USD, trong đó nhập khẩu đạt 5 triệu USD, xuất khẩu đạt 11 triệu USD, hoàn thành 100% kế hoạch năm với các mặt hàng, quặng titan, chè xanh, thiếc. Tuy nhiên, đối với sản phẩm chè kế hoạch xuất 1.200 tấn; 8 tháng năm 2008 mới xuất được 500 tấn. Sở dĩ xuất khẩu thấp như vậy là do những tháng đầu năm chưa phải là thời điểm xuất hàng. Song, mấu chốt quan trọng là chè của Thái nguyên không được bạn hàng nước ngoài "mặn mà" lắm do nguồn gốc chè "lôm côm" nhiều chủng loại, kỹ thuật chăm, bón, thu hái, chất lượng không đồng đều, còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, chè có được chấp thuận mua cũng với giá rẻ. Ngoài ra, trong lúc khó khăn về vốn lưu động, ngân hàng lại hạn chế cho vay; nếu vay phải bằng  USD, lại chịu sự giám sát chặt chẽ, thu hồi vốn sau xuất khẩu chậm nên Công ty cũng phải cân nhắc."  

 

Ông Dương Huy Khải, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu- Hội nhập kinh tế thương mại, Sở Công Thương cho rằng: Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh tăng cao nhưng không bền vững do những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như chè chưa có vùng nguyên liệu ổn định, chưa có thương hiệu Quốc tế, sản phẩm xuất ở dạng thô, giá trị không cao. Còn các sản phẩm khác như thiếc, quặng vẫn phải mua thu gom từ các tỉnh về nên khó tập trung được đơn hàng lớn và được bạn hàng đặt mua nhiều. Do vậy, khách hàng truyền thống vẫn dừng lại ở các nước như: Đối với sản phẩm chè chủ yếu các nước Trung Quốc; Đài Loan, Pakistan, Hà Lan mua chè giá rẻ về chế biến lại; mặt hàng quặng thị trường Trung Quốc, Đài Loan; mặt hàng thiếc tinh xuất khẩu sang Anh. Mặt hàng may mặc là các nước Hoa Kỳ, Me xico, Canada, Trung Quốc, Philippin, Đức...

 

Cho đến thời điểm này, mặc dù kế hoạch kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch, song để khai thác hết tiềm năng các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn, đảm bảo tính ổn định, bền vững lâu dài, thì bên cạnh đòi hỏi phải có sự quan tâm về cơ chế chính sách như: Tôn vinh các doanh nghiệp xuất khẩu; xây dựng đề án chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu chủ lực gắn với phát triển kinh tế vùng; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường nước ngoài, nhất là đối với thị trường lớn Châu Âu; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn lực, quan trọng nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu, tỉnh cần có cơ chế tháo gỡ cho các doanh nghiệp được vay vốn đầu tư cho sản xuất, chế biến hàng hoá nông, lâm sản  thực phẩm; áp dụng rộng rãi chính sách tín dụng xuất khẩu, đặc biệt cho vay ưu đãi đầu tư các dự án chế biến hàng hóa xuất khẩu. Bởi theo ý kiến chung của giám đốc các doanh nghiệp cho biết: Hầu như việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đầu tư cho sản xuất, kinh doanh các mặt hàng xuất khẩu trên địa bàn rất khó khăn. Đây là sự thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp.

 

Ngoài ra, cần có các giải pháp cụ thể đối với từng nhóm sản phẩm xuất khẩu tiềm năng như nhóm hàng nông, lâm sản thực phẩm; nhóm hàng dệt may; nhóm hàng sản phẩm cơ khí máy móc thiết bị, công cụ và hoạt động xuất khẩu tại chỗ (mua sắm hàng hoá của khách du lịch Quốc tế và các Nhà đầu tư nước ngoài đến Thái Nguyên); xuất khẩu lao động. Qua đó các doanh nghiệp mới có sản phẩm xuất khẩu ổn định, đảm bảo chất lượng để tăng giá trị kim nghạch xuất khẩu và đủ sức cạnh tranh, đứng vững khi thị trường thế giới có nhiều biến động.