So với các huyện, số hộ nông nghiệp trên địa bàn T.P Thái Nguyên không nhiều (15 nghìn hộ, chưa kể hai xã mới Cao Ngạn và Đông Bẩm mới chuyển sang) với 6 vạn khẩu chuyên sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Phát huy lợi thế nằm trong khu vực ngoại đô, những năm qua, các hộ nông dân của thành phố đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá gắn với thị trường nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng chuyên canh để cung cấp lương thực thực phẩm cho khu vực nội thị.
Hàng trăm ha vườn tạp đã được cải tạo thành những vườn cây có hiệu quả kinh tế cao như vải, nhãn, xoài, quýt, hoa, cây cảnh. Bên cạnh đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại trong chăn nuôi gà, lợn hướng nạc cho thu nhập hàng trăm triệu đồng trở lên. Đến nay, TP đã có trên 200 trang trại sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Cơ sở hạ tầng nông thôn ở thành phố như đường, điện, giao thông, thuỷ lợi, nhà văn hoá, khu vui chơi giải trí, trạm y tế xã phường đã được nâng cấp và từng bước được xã hội hoá. Tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 68%, số hộ trung bình đạt 26,41%, số hộ nghèo còn 5,59%, số hộ có xe may, trên 97% số hộ có ti vi, 100% số hộ được sử dụng điện lưới Quốc gia; trên 90% tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch. Đó là bức tranh chung của nông dân, nông nghiệp, nông thôn (ND,NN,NT) thành phố Thái Nguyên (TPTN)
Đạt được kết quả trên là cả một quá trình thay đổi về tư duy nhận thức của người nông dân trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Bên cạnh đó là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó đã khơi dậy và phát huy được tiềm năng đất đai, lao động, vật tư, tiền vốn và sự sáng tạo của nông dân, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với cơ chế thị trường. Song sự đóng góp của Hội Nông dân TP là yếu tố quan trọng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong NN,NT,ND ở thành phố. Từ năm 2002 đến nay, Hội Nông dân TP thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền vận động hội viên nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá như trồng chè, trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, rau an toàn, từng bước tăng giá trị thu nhập và năng suất trên một ha canh tác.
Để thực hiện tót chủ trương trên, Hội đã phát động phong trào thi đua sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp giỏi tới 100% các phường, xã. Đồng thời, phối hợp với các ngành, các cấp, doanh nghiệp tổ chức 560 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 26.372 lượt người và 134 cuộc hội thảo cho 4.884 lượt người. Các cấp Hội Nông dân cũng tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi trong và ngoài tỉnh cho hội viên; phối hợp với Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh, Phòng Kế hoạch và Đầu tư Thành phố tổ chức 9 lớp khởi sự doanh nghiệp cho 370 hội viên là các chủ trang trại và hộ sản xuất giỏi đã giúp hội viên nông dân nắm được phương thức kinh doanh và quản lý sản xuất ở nông thôn nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Phối hợp với các trường đại học trên địa bàn tỉnh mở 5 lớp đào tạo nghề cho 138 hội viên nhằm giúp kiến thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế thuận lợi, chuyển dịch lao động khi diện tích đất nông nghiệp ở đô thị thu hẹp. Hội còn vận động hội viên sản xuất giỏi giúp hội viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển kinh tế. Qua đó đã huy động được 742 triệu đồng, 7.256 ngày công và hàng vạn cây giống giúp 366 hội viên nghèo về giống, vốn, vật tư và kiến thức. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh tín chấp vay vốn hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất. Với cách làm trên, chỉ tính từ năm 2002-2007, toàn thành phố đã có 1.934 hộ được công nhận danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đạt 12% so với hộ nông nghiệp; 936 hộ nông nghiệp đã được xoá nghèo.
Đồng chí Trương Xuân Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Thái Nguyên cho biết: Trong những năm tới, Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục vận động hội viên áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn với phương châm: "Sản xuất nông nghiệp đô thị lấy tiêu chí chất lượng và giá trị thu nhập trên diện tích canh tác với cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp". Duy trì phong trào thi đua sản xuất nhằm tạo tiền đề cho chương trình CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn; hộ sản xuất giỏi các cấp, phấn đấu đạt từ 10-15% và cơ bản xoá hộ nghèo vào năm 2010.