Đến thời điểm này huyện Đại Từ vẫn chưa xây dựng được mô hình HTX điển hình tiên tiến để làm cơ sở nhân rộng. Huyện chưa khuyến khích được các doanh nghiệp dịch vụ của Nhà nước thông qua các hình thức liên kết kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX nông nghiệp làm đại lý dịch vụ cho sản xuất, đại lý thu mua nông sản cho các hộ xã viên…
Sinh ra và lớn lên ở đất chè, chị Nguyễn Thị Hải ở xã La Bằng (Đại Từ) hiểu hơn ai hết những lo toan, vất vả của người trồng chè. Chè La Bằng có vị thơm ngon nổi tiếng, nhưng số người giàu được nhờ cây chè ở quê chị chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn phần lớn vẫn còn nghèo khó, bởi chè La Bằng chưa thật sự trở thành hàng hoá, người dân vẫn sản xuất, chế biến chè theo kiểu tự sản tự tiêu, nên thường bị tư thương ép giá.
Quyết tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè La Băng, để chè La Bằng trở thành hàng hoá, chị Hải biết một mình chị không thể đủ sức làm, chị đứng ra vận động những người có cùng chung ý chí, nguyện vọng, xây dựng mô hình HTX hoạt động theo luật, để cùng góp của, góp công xây dựng thương hiệu cho chè La Bằng.
Mô hình HTX ở Đại Từ cũng như các địa phương khác trong tỉnh là sự lựa chọn phù hợp mang tính khách quan tất yếu của những người nông dân trong thời kỳ kinh tế mở, nó được xuất phát từ những nhu cầu thực tế của người nông dân về tăng giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích, tìm thị trường ổn định cho đầu ra của sản phẩm nông nghiệp, hay giải quyết một việc gì đó trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mang tầm vĩ mô, đòi hỏi phải có sức mạnh của tập thể...
Vào HTX các xã viên không chỉ được trao đổi kinh nghiệm làm ăn, sản xuất, kinh doanh hỗ trợ nhau về giống, vốn mà còn có điều kiện học tập các kỹ thuật mới, nhanh nhạy hơn trong việc áp các tiến bộ KHKT vào sản xuất, trao đổi thông tin và liên kết tiêu thụ sản phẩm ở quy mô lớn. Một số mô hình HTX ở Đại Từ đã, đang khẳng định được tính hiệu quả, thiết thực như HTX dịch vụ điện; HTX vệ sinh môi trường, HTX sản xuất vật liệu xây dựng… Hiện nay toàn huyện có 160 tổ hợp tác với khoảng 3.200 thành viên, tăng 61 tổ so với năm 2005. Trong đó lĩnh vực nông nghiệp là 120 tổ, các loại hình tổ hợp tác khác là 40 tổ. Loại tổ hợp tác này hoạt động chủ yếu mang tính thời vụ hoặc vụ việc, phát triển ngày càng đa dạng là cơ sở cho việc hình thành và phát triển các HTX. Hiện nay số HTX là 37, tăng 3 HTX so với năm 2005.
Tuy nhiên, đến thời điểm này huyện Đại Từ vẫn chưa xây dựng được mô hình HTX điển hình tiên tiến để làm cơ sở nhân rộng. Huyện chưa khuyến khích được các doanh nghiệp dịch vụ của Nhà nước thông qua các hình thức liên kết kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX nông nghiệp làm đại lý dịch vụ cho sản xuất, đại lý thu mua nông sản cho các hộ xã viên; chưa tạo được điều kiện cho các HTX vay vốn, xây dựng trụ sở làm việc (95% số HTX chưa có trụ sở). Đa số HTX có trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh lạc hậu, máy móc cũ nát, thiếu vốn đầu tư. Điểm xuất phát của HTX thấp, năng lực nội tại yếu, phát triển không ổn định. Năng lực đội ngũ cán bộ quản lý còn yếu, nhất là kiến thức quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh. Nhiều cán bộ HTX chưa thực sự năng động trong việc tìm ra hướng đi để HTX phát triển, còn có tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Nhận thức về vị trí, vai trò của việc phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là kinh tế HTX của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, xã viên HTX chưa thống nhất, trong khi đó việc tuyên truyền về vấn đề này lại chưa được thường xuyên; việc triển khai chính sách, pháp luật Nhà nước về HTX đã ban hành còn chậm và thiếu đồng bộ. Cấp uỷ, chính quyền của một số xã, thị trấn chưa thực sự quan tâm đến sự phát triển và hoạt động trong lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX. Cán bộ trực tiếp phân công theo dõi đề án phát triển kinh tế hợp tác, HTX luôn thay đổi và mang tính kiêm nhiệm, trình độ năng lực còn hạn chế nên chưa làm tốt vai trò tham mưu cho Ban chỉ đạo…
Từ nay đến năm 2010, để mô hình kinh tế HTX phát huy được hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của huyện, đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyên cho biết: Thời gian tới chúng tôi tập trung củng cố, giúp đỡ các HTX hiện có nâng cao trình độ quản lý của đội cũ cán bộ, tổ chức sản xuất kinh doanh; có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ trốt HTX. Tuỳ từng điều kiện cụ thể của mỗi địa phương để lựa chọn các loại hình HTX sao cho phù hợp; khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ thành lập các HTX trong mọi lĩnh vực. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện Luật HTX năm 2003 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tổ chức thực hiện tốt công tác tư vấn, hỗ trợ mọi điều kiện giúp đỡ các HTX ổn định, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh với mục tiêu giảm dần các đơn vị yếu kém, tăng các đơn vị sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Xây dựng mô hình HTX điểm trong các lĩnh vực, trong đó chú trọng xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh, chế biến chè; HTX dịch vụ trong lĩnh vực chăn nuôi làm cơ sở nhân rộng cho những năm tiếp theo…