Nông dân Phổ Yên phát huy hiệu quả nguồn vốn vay

11:01, 17/09/2008

Hội Nông dân huyện Phổ Yên hiện có trên 18.400 hội viên với 78,1% số hộ nông nghiệp tham gia sinh hoạt ở 277 chi, tổ hội cơ sở. Những năm gần đây, nhờ đổi mới phương thức hoạt động nên Hội đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, trong đó nổi bật là chương trình hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo.

Với đặc điểm là một huyện trung du miền núi, đời sống nông dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu  trông vào cây lúa, cây chè. Làm gì để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giúp họ vươn lên phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng, đó không chỉ là nhiệm vụ của các cấp uỷ, chính quyền địa phương mà còn là mục tiêu số một của Hội Nông dân huyện Phổ Yên. Người nông dân nơi đây có sức khoẻ, nhận thức nhanh, điều kiện để phát triển chăn nuôi, trồng trọt lại tương đối thuận lợi nhưng cái khó là người dân không có vốn để đầu tư phát triển kinh tế. Xuất phát từ nhu cầu đó, Hội Nông dân đã chủ động đứng ra tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách- Xã hội huyện cho hội viên vay vốn.

 

Từ năm 2003 đến nay, Hội nhận uỷ thác cho trên 26.500 lượt hộ nông dân, hội viên vay vốn đầu tư  phát triển sản xuất với số tiền gần 55 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho vay 35 tỷ đồng, Ngân hàng Chính sách- Xã hội 19 tỷ đồng, trên 650 triệu đồng của Hội Nông dân tỉnh.

 

Từ nguồn vốn vay, Hội Nông dân đã hướng dẫn các hộ sử dụng vốn có hiệu quả như đầu tư vào trồng cây ăn quả, trồng rừng, cải tạo vườn tạp, chăn nuôi lợn nái ngoại, Sin hoá đàn bò, nuôi cá rô phi đơn tính dòng GIP, nuôi cá lóc bông, nuôi cá ruộng, tôm càng xanh, chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn. Nhiều cơ sở Hội ở các xã Hồng Tiến, Đồng Tiến, Tân Hương, Ba Hàng, Đông Cao, Tiên Phong... đã chỉ đạo hội viên, nông dân xây dựng mô hình cánh đồng cho thu nhập cao từ 50 triệu đồng/ha/năm trở lên. Ngoài ra, trên các chân ruộng cạn, hội viên, nông dân còn mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh để có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, một số hộ còn mạnh dạn phá bỏ diện tích chè trung du giống cũ sang đầu tư đưa những giống chè cành mới như LDP1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên cho năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào trồng, góp phần đưa diện tích chè cành của địa phương lên gần 300 ha.

 

Cùng với việc tạo điều kiện cho các hộ vay vốn, 5 năm trở lại đây, Hội Nông dân huyện còn ký kết với các nhà máy, đơn vị, hộ kinh doanh, trạm vật tư nông nghiệp huyện cung ứng vật tư trả chậm cho hội viên trên 1.500 tấn phân bón các loại để hội viên chủ động chăm bón cho cây trồng đạt năng suất cao. Nhờ vậy, các hộ nông dân đã đầu tư thâm canh 3.500 ha lúa cao sản, 1.300 ha chè kinh doanh, trên 1.200 ha ngô vụ đông, 1.200 ha cây ăn quả các loại. Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện Phổ Yên vận động hội viên đóng góp Quỹ hội để tạo sự gắn kết giữa hội viên với tổ chức Hội. Quỹ hội đều được các chi, tổ hội cơ sở quản lý, sử dụng đúng mục đích, đảm bảo tính công khai, dân chủ. Đến nay, tổng số quỹ hội do hội viên đóng góp được gần 500 triệu đồng, hỗ trợ cho 937 lượt hộ hội viên vay phát triển sản xuất tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống cho hội viên có hiệu quả. Trong Hội xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, nâng cao đời sống và thoát nghèo tiêu biểu như hộ gia đình ông Đoàn (xã Hồng Tiến) chăn nuôi 700-1.200 con gà siêu trứng, 7.000 con gà thịt, lợn nái 8 con, lợn thịt 200 con, doanh thu của gia đình đạt từ 360 đến 466 triệu đồng; gia đình ông Tuyền (xã Nam Tiến) chuyển đổi trồng cây cảnh tạo công ăn việc làm cho gia đình và lao động nông nhàn khác, doanh thu đạt 180 triệu đồng/năm; gia đình ông Thái (xã Thành Công) ngoài làm chè, làm lúa còn nuôi 12 bò nái sinh sản và 16 bò thịt, thu nhập trong những năm qua của gia đình đạt 27 triệu đồng/người/năm (sau khi trừ chi phí)... Nhờ sự giúp đỡ của Hội đã góp phần giúp 2.049 hộ hội viên thoát nghèo, phấn đấu đến năm 2013 có 25% hội viên có thu nhập cao và cơ bản không còn hội viên nghèo.

 

Đồng chí Đinh Thị Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phổ Yên cho biết: Để chương trình hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, xoá đói, giảm nghèo ở địa phương đạt kết quả tốt, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể làm cầu nối để chuyển giao KHKT và công nghệ mới cho hội viên, nông dân về chăn nuôi gia súc, gia cầm, thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề cho gia đình hội viên dành quỹ đất cho doanh nghiệp, công nghiệp. Các ngân hàng nên mở thêm những chương trình tín dụng mới như cho vay hộ cận nghèo, chương trình tín dụng chống tái nghèo... có như vậy đời sống của hộ nghèo, cận nghèo mới được nâng lên.