Đổi thay ở Cao Ngạn

10:34, 26/04/2009

Nhiều năm trước, người dân xã Cao Ngạn (T.P Thái Nguyên) vẫn sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu sử dụng các cây, con giống của địa phương nên năng suất cây trồng, vật nuôi thấp. Song những năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế, Cao Ngạn đã có nhiều đổi thay đáng kể.  

Đồng chí Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Cao Ngạn cho biết: Đảng bộ, chính quyền địa phương đã rất trăn trở, sau nhiều lần bàn bạc, chúng tôi đã đi đến thống nhất là: Phải nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả cao thì mới có thể tạo ra bước đột phá trên đồng ruộng. Để thay đổi tập quán canh tác lạc hâu ăn sâu trong tư duy của người nông dân bao năm nay quả không dễ. Nhưng được sự giúp đỡ của cấp trên, sự nhiệt tình của cán bộ khuyến nông trong việc tập huấn, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi, trồng trọt đến người dân, nhất là sự gương mẫu đầu tàu của một số đảng viên trong thực hiện các ô mẫu giống cây trồng mới… nên nhận thức của người dân đã dần thay đổi. Khi đã chuyển biến về mặt nhận thức, nắm được kỹ thuật gieo trồng, cách chăn nuôi mới hiệu quả, người dân đã mạnh dạn ứng dụng vào thực tế.

 

Hiện nay, thay vì trồng các giống lúa, ngô của địa phương năng suất thấp, những giống cây năng suất cao đã được đưa vào trồng rộng rãi, chủ yếu là các giống lúa Khang dân 18, Q5, TH3-3, Lai hai dòng; ngô lai VN4… nên năng suất cây trồng đã tăng đáng kể. Sản lượng lương thực của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra theo từng năm. Riêng năm 2008, toàn xã trồng được trên 131 ha lúa vụ xuân, 212 ha lúa vụ mùa, năng suất bình quân đạt trên 47 tạ/ha, tăng khoảng 6 tạ/ha so với năm 2000; năng suất của 95ha ngô đông và 107 ha ngô vụ xuân cũng tăng lên đáng kể, bình quân đạt khoảng 38-40tạ/ha, tăng 8-9 tạ/ha so với gần chục năm trước.

 

Điển hình trong việc đưa các giống cây mới vào gieo trồng cho hiệu quả kinh tế cao là gia đình bà Đỗ Thị Sen, xóm Thác Lở. Nhờ đưa giống lúa TH-33 vào gieo cấy và áp dụng kỹ thuật gieo mạ khay nên gia đình bà đã giảm được chi phí đầu vào do không phải thuê công cấy, giảm được lượng lúa giống… mà năng suất lại đạt cao hơn. Năm 2008, gia đình bà thu được gần 5 tấn thóc từ trên 10 sào ruộng. Ngoài cấy lúa, gia đình bà còn trồng xen canh, gối vụ cây ngô, đậu tương, lạc; chăn nuôi gà, lợn, mỗi năm, gia đình thu gần 35 triệu đồng.

 

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi được xác định là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế ở Cao Ngạn. Nhờ chủ trương khuyến khích các gia đình phát triển chăn nuôi. Đến nay, đàn gia súc, gia cầm tăng nhanh, trong đó tổng đàn trâu 650 con, đàn bò 300 con, đàn lợn trên 3.000 con và 17 trại gà của các hộ dân đang trên đà phát triển tốt, nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi. Bên cạnh đó, xã còn tạo điều kiện cho người dân được mua phân bón trả chậm thông qua Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… Năm 2008, thông qua các tổ chức hội, hàng trăm hộ nông dân đã được mua hàng chục tấn phân bón trả chậm các loại để đầu tư thâm canh cây lúa, cây màu… Cùng với đó là sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước đã giúp cho cơ sở hạ tầng của xã như trạm y tế, đường giao thông, đường điện, trường học ngày càng hoàn thiện, đời sống nhân dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới. Hiện xã có trên 1.700 hộ dân thì chỉ còn 113 hộ nghèo, giảm 20 hộ so với đầu năm 2008. Năm 2008, tổng thu nhập bình quân của xã đạt 9 triệu đồng/người/năm, vượt 1,2 triệu đồng/người so với kế hoạch (tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2007)…

 

Quá trình phát triển kinh tế của xã Cao Ngạn đã thu được kết quả, nhưng vẫn còn chưa tương xứng với một xã nằm gần trung tâm thành phố. Chính vì vậy, năm 2009, xã đã đề ra một số mục tiêu phấn đấu: thu nhập bình quân đạt từ 10-11 triệu đồng/người/năm. Về sản xuất nông nghiệp, tổng sản lượng lương thực cây có hạt giữ vững 2.450 tấn, giá trị sản xuất trên 1ha đất ruộng đạt 45 triệu đồng, đất đồi 50 triệu đồng. Về chăn nuôi, phấn đấu đàn trâu: trên 600 con, đàn bò: 350 con, đàn lợn: 3.500 con. Trong đó đẩy mạnh xây dựng mô hình điểm phát triển trang trại chăn nuôi gà đạt 50 nghìn con, tăng 15 nghìn so với năm 2008. Tăng cường việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT và tổ chức cho nông dân đi học tập những mô hình trồng trọt, chăn nuôi giống cây, con mới cho thu nhập cao, có như vậy mới tạo nên những mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế điển hình, tạo sự đột phá trong nông nghiệp, từng bước nâng cao thu nhập, để đời sống của người dân trong xã ngày càng được cải thiện.