Đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất nông nghiệp

11:19, 26/04/2009

Thực hiện Chư­ơng trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, huyện Phú Lương đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đưa cơ giới vào sản xuất. Khi cơ giới được đưa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp sẽ giảm được 70-80% công lao động và giúp người dân nâng cao nhận thức về việc dồn ghép tích tụ ruộng đất, nâng hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở địa phương…

Vụ xuân năm nay, người dân xã Cổ Lũng, Phú Lương mới đưa máy gieo sạ vào phục vụ sản xuất. Hiện cả xã mới chỉ có 3 máy gieo sạ nhưng với hiệu quả của máy đem lại, nhiều hộ dân ở Cổ Lũng sẽ đầu tư mua loại máy này nhiều hơn. Nói về công dụng của máy gieo sạ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đình Tâm cho biết: Lâu nay, người dân địa phương vẫn cấy lúa bằng tay. Năm nay, thực hiện chương trình đưa cơ giới hóa vào sản xuất của huyện, nông dân địa phương đã chuyển đổi từ cấy tay sang gieo sạ bằng máy. Khi mới đưa máy gieo sạ vào gieo cấy, người dân được tập huấn về kỹ thuật làm đất, xử lý ngâm ủ hạt giống, kỹ thuật gieo bằng máy. Tại lớp tập huấn, các học viên còn được hướng dẫn vận hành thao tác tháo, lắp công cụ gieo, cách điều chỉnh lượng hạt giống gieo. Tiện ích của máy gieo sạ là tiết kiệm công lao động (từ 80 - 100 công lao động/ha gieo trồng), tiết kiệm được 1,5 kg hạt giống so với cấy thủ công. Hai là, rút ngắn được thời gian sinh trưởng của cây lúa từ 7-10 ngày do không phải trải qua thời kỳ gieo mạ và hồi phục sau cấy. Đặc biệt là có thể chủ động thời gian trong vụ xuân giúp tránh được rét thời kỳ đầu vụ. Ba là, ít sâu bệnh hại do gieo thẳng, cây lúa tự điều tiết khả năng đẻ nhánh nên năng suất có thể cao hơn lúa cấy từ 10 đến 15%. Máy gieo sạ đã góp phần giảm bớt sức lao động, giải quyết tốt khâu thời vụ cho bà con nông dân chúng tôi.

 

Chúng tôi vào xã Vô Tranh – một trong những địa phương có diện tích chè lớn của huyện Phú Lương. Biết chúng tôi đang tìm hiểu về việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Đức Khuê, Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Vô Tranh hiện có 525 ha chè, trong đó có 500 ha chè kinh doanh, đặc biệt chúng tôi có khoảng 150 ha chè cành với các giống LDP1, TRI777, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Thúy Ngọc… Năng suất chè của Vô Tranh đạt bình quân trên 90 tạ chè búp tươi/ha, sản lượng đạt hơn 4.500 tấn/năm. Với năng suất, sản lượng chè lớn như vậy nếu không có sự trợ giúp của các phương tiện cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến chè thì người dân địa phương không “kham” nổi. Hiện Vô Tranh có trên 1.800 máy sao, vò chè đảm bảo phục vụ nhu cầu chế biến chè của toàn xã. Sử dụng các phương tiện cơ giới hóa này trong chế biến chè đã góp phần giảm chi phí công lao động; chất lượng chè ngon hơn; năng suất, sản lượng chè tăng gấp 10 lần so với chế biến thủ công của hơn chục năm trước…

 

Ông Trần Nho Hưởng, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Phú Lương khẳng định: Thực hiện Chư­ơng trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, huyện đã và đang chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đưa cơ giới vào sản xuất. Theo thống kê, đến nay, Phú Lương có khoảng 1.500 máy cày, bừa bảo đảm cho trên 2.500 ha diện tích lúa, màu được làm bằng máy, chiếm trên 50% tổng diện tích gieo trồng và trên 100 máy gieo sạ đảm nhận 40% diện tích gieo trồng của toàn huyện. Trong chế biến chè, toàn huyện có trên 6.000 cơ sở chế biến quy mô hộ gia đình với sản lượng chè búp khô chế biến đạt gần 6.500 tấn, trong đó 100% khâu vò, sao sấy chè đã đ­ược cơ giới hóa. Ngoài ra, ở một số trang trại chăn nuôi gà, lợn, người dân đã sử dụng cơ giới hóa vào các khâu để tăng hiệu quả sản xuất như­: Hệ thống làm mát, ăn uống tự động, hệ thống sư­ởi ấm…

 

Việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp là hướng đi phù hợp với mục tiêu phát triển nông nghiệp của địa phương trong thời gian tới.