
Ở T.X Sông Công, chị Đỗ Thị Huệ, xóm Làng Vai (Tân Quang) được nhiều nông dân gọi vui bằng cái tên rất ấn tượng: Chị Huệ cá sấu. Nhưng khi gặp tôi mới biết, đó là một phụ nữ có duyên, đảm đang, năng động trong cơ chế thị trường.
Chị bắt đầu nuôi cá sấu từ tháng 5/2007, chị cho biết: Gia đình tôi kinh doanh buôn bán, chăn nuôi lợn trang trại từ hơn 10 năm nay, mỗi năm trừ đầu tư còn có lãi hơn 100 triệu đồng. Khi đọc báo, xem truyền hình thấy có nhiều người nuôi cá sấu trở thành tỷ phú, tôi thấy mê.
Vậy là chị khăn gói cùng chồng về Công ty TNHH 283 (Trung tâm nghiên cứu giống nuôi và phát triển cá sấu), quận Hồng Bàng, T.P Hải Phòng để thăm quan, học tập kinh nghiệm chăn nuôi loài cá có tên trong danh sách động vật cần được bảo vệ. Về Sông Công, vợ chồng chị cùng thiết kế xây dựng khu chăn nuôi cá sấu, vì đây là loài vật sống cả dưới nước và trên cạn, nên việc xây dựng khu chăn nuôi phải gồm cả ao nước, sân phơi nắng và hàng rào bảo vệ chắc chắn để cá không xổng ra ngoài. Ngay sau đó, vợ chồng chị về Trung tâm mua liền 50 con cá sấu giống Thái Lan, mỗi con chỉ nặng hơn 3 kg, với giá 2 triệu đồng/con. Vốn đầu tư ban đầu hết 30 triệu đồng xây bể nuôi; 100 triệu đồng tiền giống. Khác với các loại vật nuôi khác, cá sấu không mắc bệnh, cứ cho ăn là lớn, song thời gian đầu tư dài hơn, khoảng 3 năm trở ra cá sấu mới cho được sản phẩm da, thịt… có giá bán cao.
Theo chị ra thăm khu chăn nuôi cá sấu, điều khiến tôi bất ngờ là cả đàn cá hung hăng, phàm ăn, có thể quăng mình từ dưới ao nước lên bờ đớp người cũng trở lên hiền lành khi thấy bà chủ chia mồi. Chị Huệ cho biết: Mấy hôm trước trời mưa, lạnh, thấy lũ cá vùi mình trong nước, 1 nhân viên giúp việc đang đứng nói chuyện trên bờ đã bị cá nhảy lên cắn rách ống quần… Thật hú vía... Rất may, hôm chúng tôi đến thăm khu nuôi cá sấu của chị Huệ, gặp buổi trời quang, nắng ấm, lũ cá sấu theo nhau trườn khỏi ao nước lên bờ hong ánh mặt trời, miệng há hốc. Chúng tôi quan sát lũ cá qua khe hàng rào, thỉnh thoảng có con gầm gừ, quật đuôi uỳnh uỵch vào nền sân. Còn ở dưới ao, mấy con cá sấu vùi mình trong nước, chỉ hé đôi mắt ti hí và hếch cái mũi nhô lên khỏi mặt nước vẻ hiền từ. Nhưng theo kinh nghiệm của chị Huệ: Đó là lúc cá sấu đang rình mồi, rất hung dữ nên không thể đến cạnh chúng. Nhưng khi đã được cho ăn no, lũ cá, con nào cùng lành như cục gỗ.
Cứ 2 ngày chị Huệ lại cho cá sấu ăn 1 lần, món chính là phổi bò, phổi trâu… món khoái khẩu của cá sấu là cá và gà, vịt. Việc cho ăn được lựa theo sức lớn của cá, phải cho ăn đủ theo tầm vóc từng giai đoạn sinh trưởng, cá mới phát triển nhanh. Với 50 con cá sấu ở trọng lượng trung bình 22 kg/con, mỗi ngày gia đình chị cần tới một lượng thức ăn 30 kg. Ngay ở chợ thị xã, giá phổi trâu, bò từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Cứ 2 lần chị cho cá ăn phổi trâu, bò lại 1 lần cho cá ăn gà, vịt hoặc cá. Nhưng cũng suốt mùa đông, cá sấu vùi mình trong nước, không chịu ăn mồi. Song để chăn nuôi cá sấu thành công, đòi hỏi người chăn nuôi phải có vốn lớn mới duy trì được… Sau 1 năm (5/2008), gia đình chị đã bán 17 con cá sấu, thu về được 112 triệu đồng. Cũng ngay thời gian đó, chị đầu tư mua thêm 10 con cá sấu giống, mỗi con chỉ cân nặng 6 lạng, nhưng chị phải mua với giá 10 triệu đồng/con.
Đưa chúng tôi đi thăm trang trại, trên khoảng đất rộng 11 nghìn m2, các khu chăn nuôi lợn (150 con); vịt (500 con) được quy hoạch gọn gàng. Ngoài ra, gia đình chị còn có cửa hàng đại lý thức ăn chăn nuôi, mỗi năm xuất bán được khoảng gần 150 tấn, trong đó có khoảng trên 60 tấn được bán ứng trước cho nông dân trong vùng. Khi tới khu chăn nuôi cá rộng hơn 2 nghìn m2, nhìn mặt ao dày đặc những cá Chim trắng, Trê lai, rô phi đơn tính… đang quẫy nước đớp mồi, có con nặng cả cân, trông thật thích mắt… Nhưng ông Dương Quốc Chính, chồng chị Huệ cho biết: Trong ao này đã có con cá chim nặng 3,6 kg, nhưng toàn bộ khu ao chăn nuôi cá này, chủ yếu làm nguồn cung cấp thức ăn cho cá sấu của gia đình.