130 triệu con cá bột và gần 11 triệu con cá giống các loại được sản xuất mỗi năm (tăng 40-50% so với năm 2004) cùng nhiều dự án nuôi trồng thuỷ sản khảo nghiệm thành công được triển khai rộng rãi, những năm qua của Trung tâm Thuỷ sản tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT), theo ông Nguyễn Văn Giới, Giám đốc Trung tâm có sự góp sức rất lớn của Khoa học công nghệ (KHCN).
Được thành lập năm 2004 đến nay, Trung tâm Thuỷ sản đã ứng dụng, nghiên cứu và sản xuất thành công nhiều loại thuỷ sản có giá trị, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thuỷ sản của nhân dân trong tỉnh, như: Cá chép lai, cá rô phi giống mới, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, cá trôi Trường Giang (nguồn gốc từ Trung Quốc)... Trung bình mỗi năm, Trung tâm đưa vào nuôi trồng thử nghiệm từ 1-2 loại vật nuôi để đánh giá khả năng thích ứng, từ đó có cơ sở khuyến cáo đến người dân. Do điều kiện về đất đai, khí hậu nên nhiều năm qua, cá luôn giữ vai trò chủ lực trong ngành thuỷ sản của tỉnh.
Tuy nhiên, với việc thực hiện, nghiên cứu, lựa chọn tiến bộ kỹ thuật mới nên 2-3 năm gần đây, Trung tâm Thuỷ sản tỉnh đang triển khai nuôi thử nghiệm một số loại thuỷ sản có nguồn gốc từ miền Nam như cá lóc bông, tôm càng xanh. Bước đầu cho thấy, những loại thuỷ sản này tuy không có khả năng sinh sản trên đất Thái Nguyên nhưng có thể cho giá trị kinh tế cao.
Để người dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất, với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia, mỗi năm, Trung tâm Thuỷ sản tỉnh xây dựng hàng chục ô mẫu, mô hình; mở 40-50 lớp tập huấn cho nông, ngư dân để chuyển giao kỹ thuật nuôi thuỷ sản (nuôi cá ao tăng sản, nuôi cá lồng, cá ruộng, cá giống mới, nuôi thuỷ sản đặc sản, phòng trị bệnh cho cá...) giúp người nuôi cá nâng cao nhận thức và kiến thức để người dân thay đổi tập quán từ thả cá sang nuôi cá, để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích mặt nước. Do đó, giá trị thu lại từ việc nuôi trồng thuỷ sản cũng được tăng cao, trung bình hiện nay là 60 triệu đồng/ha/năm (cao gấp 2 lần so với năm 2004. Sau khi trừ chi phí còn khoảng 30 triệu đồng/ha/năm).
Anh Dương Văn Thanh, Trại trưởng Trại cá giống Cù Vân (Đại Từ)- đơn vị thuộc Trung tâm Thuỷ sản tỉnh cho biết: Ngoài nuôi cá, từ tháng 7-2007 đến nay, Trung tâm Thuỷ sản còn giao cho Trại nuôi thử nghiệm ba ba Thái Lan. Kết quả bước đầu cho thấy, ba ba thương phẩm phát triển tốt, lớn nhanh, dễ chăm sóc, hiện đang cho sản xuất giống. Nếu thành công, sẽ khuyến cáo đến người dân để phát triển sản xuất. Đây là loại vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể giúp người dân làm giàu.
Tuy nhiên, với sản lượng hiện nay đạt 4.200 tấn cá/năm, bình quân sản phẩm mới đạt gần 3,5kg/người/năm thấp hơn nhiều so với bình quân của cả nước (14kg/người/năm), Thái Nguyên vẫn phải nhập trên dưới 500 tấn cá/năm. Do đó, thị trường nội tỉnh đối với loại sản phẩm này hiện đang rất lớn, đây là cơ hội cũng là thách thức đòi hỏi ngành thuỷ sản của tỉnh nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai các dự án nuôi trồng thuỷ sản.
Theo kế hoạch, đến năm 2011, Thái Nguyên phấn đấu đạt sản lượng 7.015 tấn thuỷ sản các loại/năm. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Văn Giới, một mặt Trung tâm sẽ tích cực chỉ đạo các trại, trạm cá, thuỷ sản tăng cường sản xuất con giống, mặt khác, hướng dẫn các hộ đầu mối chuyên cung cấp con giống và cá thương phẩm tại các địa phương về kỹ thuật nuôi trồng để nâng cao chất lượng con giống, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nhân dân. Ngoài ra, Trung tâm Thuỷ sản tỉnh cũng hướng dẫn các địa phương biết cách tổ chức quản lý, sản xuất phù hợp đối với các diện tích mặt nước của tập thể để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là mỗi gia đình có diện tích mặt nước cần tích cực chủ động tìm hiểu và áp dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ trong nuôi trồng thuỷ sản để vừa đáp ứng được nhu cầu của xã hội, vừa tạo được thu nhập cho gia đình.