Trên địa bàn huyện Đại Từ hiện có 24 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và trên 300 hộ chăn nuôi có quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay người chăn nuôi đang phải đối mặt với những khó khăn lớn như: giá thức ăn chăn nuôi, con giống tăng; giá bán sản phẩm từ chăn nuôi lại giảm... Bởi thế, nhiều hộ đang loay hoay tính toán xem nên “giữ đàn” hay “bỏ trại” chuyển nghề?
Qua tìm hiểu tại một số đại lý bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm dạng công nghiệp trên địa bàn huyện, chúng tôi được biết: từ đầu tháng 5 đến nay, giá nhiều loại thức ăn chăn nuôi của các hãng: Con cò, Hi-Gro, Novo, Mi-won… đều tăng từ 15% đến 20%. Chị Nguyễn Thị Đào, chủ đại lý cấp I cám Novo của Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam tại Phố Đình, thị trấn Đại Từ cho biết: sau 4-5 lần điều chỉnh giá, phần lớn các loại thức ăn chăn nuôi của hãng đều tăng so với đầu tháng 5 từ 10% đến 20%. Hiện nay giá thức ăn hỗn hợp dạng viên 9651cho lợn con có giá 315 nghìn đồng/bao/25 kg; thức ăn đậm đặc 9251cho lợn từ 5kg - xuất bán có giá 328 nghìn đồng/bao/25 kg; thức ăn đậm đặc 9213 cho gà thịt là 330 nghìn/bao/25kg; thức ăn hỗn hợp dạng viên 0548L cho vịt, ngan có giá 195 nghìn đồng/bao/25kg…. Do giá thức ăn chăn nuôi tăng nên số lượng hàng bán ra của gia đình chị chậm hơn so với trước. Nếu như cách đây chỉ vài ba tháng, khi giá thức ăn chăn nuôi chưa tăng, đại lý của chị Đào tiêu thụ trung bình từ 50-60 tấn/tháng thì sau khi tăng giá 2-3 tháng nay, đại lý chỉ bán được chưa đến 30 tấn/tháng. Qua đó có thể thấy sức mua của người dân đã giảm đi đáng kể.
Trong khi các loại thức ăn chăn nuôi tăng giá thì giá các sản phẩm từ chăn nuôi (lợn, gà, cá…) trên thị trường lại giảm đáng kể, đặc biệt là giá lợn hơi. Ông Nguyễn Văn Định, chủ trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại ở xóm 11, xã Tân Linh cho biết: Gia đình tôi nuôi 20 con lợn nái ngoại và thường xuyên có trên 200 con lợn thịt/lứa trong chuồng. Cách đây khoảng 30 ngày, tôi đã bán 60 con lợn thịt với giá 28 nghìn đồng/kg lợn hơi, sau khi trừ chi phí đầu vào như tiền mua thức ăn, thuê nhân công, thuốc điều trị bệnh cho lợn… thì coi như hòa. Hiện nay, trong chuồng trại của gia đình tôi còn trên 60 con lợn thịt nữa đã đến kỳ xuất chuồng nhưng tôi phân vân chưa muốn bán. Bởi nếu bán rẻ theo giá thị trường (hiện là 25-26 nghìn đồng/kg lợn hơi) thì gia đình tôi lỗ, nhưng chờ giá lên thì không biết đến bao giờ, trong khi nếu tiếp tục để lâu thì tiền mua cám cho lợn còn lỗ hơn…
Là chủ trang trại chăn nuôi lợn nái ngoại từ năm 2004, chị Vũ Thị Phượng, xóm Bình Sơn, xã Bình Thuận cho hay: Sau 4 năm chăn nuôi, hiện nay trong chuồng của nhà tôi có 35 đầu lợn nái ngoại, trong đó có 10 con nái hậu bị, đồng thời thường xuyên nuôi trung bình 250 con lợn thịt/lứa. Từ chăn nuôi lợn ngoại, gia đình tôi đã trả hết nợ cho Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện và anh em, bạn bè với số tiền khoảng 200 triệu đồng. Vào thời điểm này khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, vốn là người chăn nuôi lợn lâu năm, chị Phượng nhẩm tính: Với người chăn nuôi nhỏ lẻ, khi mua 10 con lợn giống hướng nạc có trọng lượng từ 25-30 kg/con với giá 35 nghìn đồng/kg thì riêng tiền giống đã hết 10 triệu đồng. Sau 3 tháng chăn nuôi, khi lợn đạt trọng lượng trên 100 kg/con mới xuất chuồng, tổng chi phí thức ăn phải chi khoảng 10 triệu đồng nữa. Nếu với giá bán thịt lợn hơi như hiện nay chỉ khoảng 25-25 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi thu được khoảng 25-26 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 3-4 triệu đồng, chưa tính đến tiền công, nếu gia đình nào phải đi vay lãi ngân hàng để đầu tư chăn nuôi thì coi như âm. Mà đấy là khi chăn nuôi thuận lợi, đúng quy trình, lợn đạt trọng lượng theo yêu cầu đề ra, còn nếu chăn nuôi mà gặp rủi ro hoặc lợn không đạt trọng lượng so với yêu cầu (tăng 30kg trong vòng một tháng) thì người chăn nuôi cầm chắc lỗ trong tay…
Để đối phó với tình hình tăng giá của các loại thức ăn chăn nuôi thời gian gần đây, nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Đại Từ đã chọn giải pháp tìm các nguồn thức ăn khác thay thế như nấu cám thông thường trộn với thức ăn dạng công nghiệp để giảm chi phí. Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Văn Thành, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện thì đây chỉ là giải pháp tình thế. Còn về lâu dài, người chăn nuôi nhỏ lẻ cần có sự liên kết với nhau để mua thức ăn chăn nuôi với giá gốc tại các nhà máy chế biến, sản xuất. Đồng thời đề nghị tỉnh, huyện có cơ chế giúp người chăn nuôi được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư duy trì đàn gia súc, gia cầm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, trong thời gian tới giá thức ăn chăn nuôi chưa thể giảm, vì vậy đề nghị cấp có thẩm quyền tạo điều kiện về đất đai giúp các hộ dân mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng đàn, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tránh tỷ lệ rủi ro trong chăn nuôi… Đó là những giải pháp cấp bách và quan trọng.