Hợp tác xã (HTX) dịch vụ thuỷ lợi, nông nghiệp Tiến Ninh, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên được chuyển đổi theo Luật HTX từ năm 1998. Đây là một trong số ít HTX nông nghiệp của thành phố từ khi thực hiện chuyển đổi đến nay duy trì được mọi hoạt động của HTX; vốn đóng góp được bảo toàn; số lượng xã viên ngày càng tăng và được nhân dân tín nhiệm.
Với trên 550 hộ xã viên ở 3 xóm (gồm Dân Tiến, Túc Tiến, Thái Ninh) chuyên sống bằng nghề trồng lúa, rau màu và chăn nuôi nên nhiều năm qua, HTX Tiến Ninh đã chuyên tâm vào hai nhiệm vụ chủ yếu là làm dịch vụ thuỷ lợi và chuyển giao khoa học kỹ thuật đến nông dân để giúp họ chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp. Vì vậy, mục đích hoạt động của HTX phục vụ nhân dân là chính, không đưa vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu. Lợi ích của xã viên và HTX được giải quyết hài hòa. Vào HTX, xã viên được HTX chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) và phục vụ nước tưới cho sản xuất. Hàng năm, HTX đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) để tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng hoa, cây cảnh, chăm sóc lúa, trồng rau an toàn (mỗi lớp thường xuyên có từ 30 đến 40 người tham gia). Qua đó, các xã viên đã tự lựa chọn loại cây trồng phù hợp thay thế cho những diện tích lúa hoặc cây màu có giá trị kinh tế thấp hơn.
Cũng từ việc được trang bị kiến thức kỹ thuật và biết ứng dụng vào thực tiễn nên đến nay, 66 ha đất nông nghiệp (của riêng 3 xóm trên) trước đây chuyên trồng lúa và các loại rau, nhiều hộ đã chuyển những diện tích trồng lúa ở trên cao sang trồng hoa và tham gia các dự án (như Dự án hoa ly của Trung tâm Khuyến nông thành phố; Dự án hoa hồng, hoa ly của Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai). Riêng xóm Túc Tiến có trên 100 hộ đã chuyển đổi diện tích lúa sang trồng hoa (dự kiến năm 2009 sẽ đưa 35 ha chuyển đổi sang trồng rau an toàn và hoa chất lượng cao). Nhiều hộ ở xóm Túc Tiến đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng hoa ly, hoa hồng như gia đình ông Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Văn Hợi, Nguyễn Văn Trí... Để có vốn đầu tư cho sản xuất, chăn nuôi, điểm thuận lợi với HTX là ông Nguyễn Văn Thìn, vừa là Chủ tịch Hội Nông dân phường lại kiêm Chủ nhiệm HTX. Vì thế, khi những hộ xã viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, cần vay vốn để đầu tư cho sản xuất, ông đều hướng dẫn họ tiếp cận với nguồn vốn của Qũy Hỗ trợ nông dân và đề xuất với Hội Nông dân đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH) cho xã viên vay. Hiện nay, có 47 lượt hộ đang vay 385 triệu đồng từ nguồn vốn của NHCSXH và một số hộ đang vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân của phường. Những xã viên HTX khi qua đời còn được HTX chi hỗ trợ một phần kinh phí lo tang ma (trước đây mức chi gần 300 nghìn đồng) nay mức chi lên 700 nghìn đồng.
Hàng năm, HTX còn đứng ra phối hợp với các cơ quan chức năng để tuyên truyền, khuyến cáo, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng dịch cho gia súc, gia cầm. Đối với hộ xã viên khi tham gia HTX, thực hiện nghĩa vụ đóng góp Quỹ với mức thu 28 kg thóc/ đất 2 vụ và 12 kg thóc/đất một vụ. Với số tiền thu được, HTX sử dụng vào việc chi phí đầu tư xây dựng, cải tạo trạm bơm, đầu tư máy bơm mới; cải tạo hệ thống điện 3 pha; kiên cố hoá kênh mương nội đồng (đã kiên cố được 750 mét, năm 2009 dự kiến tiếp tục kiên cố 900 mét); chi cho cán bộ quản lý; công nhân lao động, bơm nước tưới, tiêu; chi hỗ trợ tang ma cho các xã viên khi qua đời. Nhờ đó, hệ thống trạm bơm, kênh mương đảm bảo phục vụ thường xuyên cho nhân dân duy trì sản xuất 2 vụ và tăng thêm được vụ 3...
Thấy được lợi ích khi tham gia vào HTX, nên nhiều hộ nông dân đã tự nguyện xin gia nhập. Năm 1998, HTX chỉ có 400 xã viên, năm 2009 đã có trên 1 nghìn xã viên tham gia. Đến nay, vốn cổ phần đóng góp của xã viên không những được bảo toàn mà còn tăng từ 20 triệu đồng ban đầu lên trên 40 triệu đồng (hàng năm, phần lợi nhuận sau khi trừ các khoản chi phí trên còn từ 7 triệu đến 10 triệu đồng). Đây cũng là điều kiện để HTX tham gia đóng góp cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, văn hoá, thể thao... của phường mỗi năm trên 5 triệu đồng. Giá trị tài sản của HTX cũng không ngừng tăng lên, từ 265 triệu đồng (năm 1998) lên trên 400 triệu đồng (năm 2009).
Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thìn cho biết: Khó khăn đối với xã viên HTX hiện nay là đất nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp để giành đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư phía Đông của thành phố. Một số diện tích đã được thu hồi, những hộ bị thu hồi đất chưa chuyển đổi nghề kịp ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt. Bên cạnh đó, do đang trong quá trình xây dựng khu dân cư, hệ thống hạ tầng (nhất là hệ thống mương tiêu nước) chưa được xây dựng, nên mỗi khi mưa gây ngập úng làm ô nhiễm môi trường. Vì vậy, đề nghị các cấp, ngành chức năng nên sớm có phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho các xã viên bị thu hồi đất. Đồng thời Ban quản lý dự án xây dựng khu dân cư nên sớm xây dựng hệ thống mương tiêu nước để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân. Nhà nước cũng nên nghiên cứu lại về giá đền bù đất nông nghiệp, nếu để ở mức như hiện nay sẽ thiệt thòi cho xã viên khi bị thu hồi đất."