Ưu tiên cấp mỏ cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chế biến sâu khoáng sản là chủ trương đúng đắn, hợp lý của tỉnh thời gian qua. Có thể nói, đây là động thái tích cực, được xem như "một mũi tên trúng nhiều đích": Vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tránh thất thoát tài nguyên lại giữ được tính ổn định, tầm nhìn chiến lược trong công tác quản lý khoáng sản…
Trước đây, không ít trường hợp doanh nghiệp không đủ năng lực đăng ký bổ sung ngành nghề kinh doanh để được cấp mỏ khai thác khoáng sản xuất bán sang Trung Quốc hoặc bán lại cho các doanh nghiệp trong nước. Chính điều đó đã góp phần gây khó khăn cho công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp này thường khai thác kiểu "hớt váng", với mục đích kiếm lợi nhuận nhanh nhất. Bởi vậy, tài nguyên khoáng sản không được tận thu triệt để, gây lãng phí, thất thoát và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Từ đó đã xảy ra tình trạng các doanh nghiệp có đủ năng lực, đầu tư chuyên sâu, có nhà máy chế biến lại thiếu hoặc phụ thuộc nguồn nguyên liệu vào các đơn vị hoạt động nhỏ lẻ. Cũng đã có doanh nghiệp xây dựng xong nhà máy lại phải dừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu chế biến. Điều đó đã đặt ra nhiều vấn đề cần có phương án giải quyết đối với một tỉnh vẫn được xem là giàu tài nguyên khoáng sản như Thái Nguyên.
Năm 2008, gần chục doanh nghiệp đã đề nghị cấp mỏ khai thác quặng chì, kẽm trên địa bàn. Lúc này, một vấn đề đặt ra là tổng trữ lượng quặng chì, kẽm của tỉnh chỉ có khoảng một triệu tấn, trong khi trên địa bàn đã có một số doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu với tổng công suất khoảng 40 nghìn tấn sản phẩm/năm. UBND tỉnh đã tổ chức họp với các doanh nghiệp nhằm đánh giá khả năng khai thác và đầu tư chế biến loại khoáng sản này trên địa bàn. Qua đó, tỉnh chủ trương cấp mỏ cho các doanh nghiệp đã có nhà máy chế biến để tránh tình trạng thiếu nguyên liệu đối với các đơn vị có nhu cầu thực sự. Đây được xem là động lực tốt để nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Bằng chứng là thời gian gần đây đã có một số nhà máy chế biến khoáng sản mọc lên, trong đó có nhà máy được đầu tư quy mô lớn, giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên là một ví dụ. Hiện nay, Công ty này đang đầu tư xây dựng Nhà máy luyện gang công suất 60 nghìn tấn gang thỏi/năm tại xã Nam Hòa (Đồng Hỷ). Để có nguyên liệu phục vụ sản xuất khi Nhà máy đi vào hoạt động, Công ty đã được cấp phép thăm dò, khai thác mỏ sắt Chòm Vung, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) với trữ lượng trên 200 nghìn tấn quặng tinh, dự kiến đủ nguyên liệu cho khoảng 3 năm đầu hoạt động. Hiện tại, Công ty cũng đang đề nghị được cấp thêm điểm mỏ Hàm Chim và xin khai thác tận thu quặng sắt ở khu vực Núi Quặng và Thác Lạc (Trại Cau, (Đồng Hỷ). Ông Chu Phương Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho biết: "Chúng tôi chuẩn bị khởi động lò luyện gang số 1, đồng thời tiến hành lập phương án xây dựng khu tuyển quặng quy mô lớn gần khu vực mỏ Chòm Vung. Chúng tôi mong muốn được tỉnh quan tâm cấp thêm mỏ để Công ty chủ động nguyên liệu phục vụ nhà máy lâu dài".
Một trong những đơn vị đang tập trung đầu tư và chuẩn bị đưa nhà máy chế biến khoáng sản vào hoạt động là Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi. Hiện nay, Công ty này đã tiến hành khởi động đốt sấy lò luyện xỉ titan tại khu vực Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương), dự kiến sẽ chính thức chạy thử vào đầu tháng 8 tới. Từ trước đến nay, Công ty mới được cấp một mỏ titan tại khu vực Cây Châm với trữ lượng nhỏ, khoảng 150 nghìn tấn. Với số lượng này, khi đi vào hoạt động, Nhà máy luyện xỉ sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng. Bởi vậy, Công ty đang đề nghị được thăm dò tiến tới khai thác hai mỏ titan khác là Làng Lân và Hái Hoa, xã Phấn Mễ (Phú Lương).
Cũng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng Nhà máy hợp kim sắt Nam Hòa (Đồng Hỷ) và Nhà máy sản xuất măng gan (Đại Từ) với công suất từ 100 nghìn đến 200 nghìn tấn sản phẩm/năm, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công đã đề nghị được cấp mỏ để khai thác nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hiện đơn vị đã được cấp phép khai thác 3 điểm mỏ. Công ty đang xúc tiến đề nghị được khảo sát, thăm dò, tiến tới khai thác một số điểm mỏ trên địa bàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Huy Chiến, Chủ nhiệm HTX cho rằng: "Theo tôi được biết, nguồn tài nguyên khoáng sản của tỉnh tuy có nhiều chủng loại, nhưng trữ lượng lại không lớn. Bởi vậy, đề nghị tỉnh nên nghiên cứu lựa chọn, ưu điểm cấp mỏ cho những doanh nghiệp có đủ năng lực. Ở đây, ngoài năng lực về tài chính, năng lực chế biến còn cần phải có năng lực khai thác mỏ. Nếu không sẽ gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường"…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 177 mỏ và điểm mỏ khoáng sản các loại, trong đó số lượng mỏ đã cấp cho các doanh nghiệp thăm dò, khai thác chiếm khoảng 50%. Số lượng mỏ, điểm mỏ còn lại đang trong quá trình khảo sát, xác định trữ lượng. Gần đây, số lượng các doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến sâu khoáng sản tăng đáng kể, khoảng gần 10 nhà máy, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Hầu hết các doanh nghiệp này đã được cấp mỏ để chủ động nguyên liệu phục vụ chế biến, song số lượng và trữ lượng còn chưa đáp ứng với công suất thực tế của các nhà máy. Có thể khẳng định, các doanh nghiệp dám đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu khoáng sản đều là các đơn vị có đủ năng lực để tham gia hoạt động khoáng sản. Hy vọng tới đây, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên cấp mỏ cho những doanh nghiệp đã có nhà máy chế biến khoáng sản, tránh trường hợp cấp tràn lan, gây lãng phí tài nguyên và có thể còn làm ô nhiễm môi trường sống...