Chuyển biến một vùng quê

08:26, 04/08/2009

Với mục tiêu nhiệm kỳ 2005-2010 phát triển kinh tế theo hướng Nông nghiệp – Công nghiệp – Dịch vụ, những năm qua, giá trị thu được từ phát triển sản xuất nông nghiệp của xã Phúc Hà, T.P Thái Nguyên chiếm một phần quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây, chiếm khoảng 30% trong cơ cấu kinh tế của xã. Mặc dù chưa hết nhiệm kỳ 2005-2010, nhưng một số chỉ tiêu Phúc Hà đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch.

 

Từ Quốc lộ 3, chúng tôi rẽ vào con đường bê tông nhỏ tìm về xã Phúc Hà. Đường vào xã vắng người qua lại, nhưng những cơ sở sản xuất than 2 bên đường thì thật nhộn nhịp với những chiếc máy chạy xình xịch, những người lao động cần mẫn xúc than đổ vào máy... Cứ ngỡ những cơ sở chế biến than ấy là của một nhà máy, xí nghiệp nào đó đóng trên địa bàn, nhưng khi trò chuyện cùng những người lao động, chúng tôi mới biết đây là những cơ sở chế biến than tư nhân. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 10 cơ sở chế biến than như thế này, mỗi năm giải quyết việc làm cho khoảng trên 150 lao động địa phương. Anh Trần Văn Khánh, chủ cơ sở chế biến, kinh doanh than kém nhiệt ở xóm 12 cho biết: Tận dụng từ những bãi xỉ thải của Mỏ than Khánh Hòa, chúng tôi đầu tư vốn mua dây truyền chế biến than kém nhiệt về để hoạt động, mỗi năm cũng giải quyết việc làm ổn định cho từ 10-20 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với việc chế biến, kinh doanh than kém nhiệt, trên địa bàn xã Phúc Hà còn có 7 lò vôi liên hoàn, 2 doanh nghiệp tư nhân, tổng giá trị thu được mỗi năm từ công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của xã đạt hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Từ phát triển ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nhiều hộ dân trong xã đã mua sắm được ô tô để phục vụ cho việc kinh doanh, vận chuyển hàng hóa...

 

Với mục tiêu nhiệm kỳ 2005-2010 phát triển kinh tế theo hướng Nông nghiệp – Công nghiệp – Dịch vụ, những năm qua, giá trị thu được từ phát triển sản xuất nông nghiệp cũng chiếm một phần quan trọng trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây, chiếm khoảng 30% trong cơ cấu kinh tế của xã (còn lại là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ). Bởi thế, hằng năm, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân cấy hết diện tích (trên 100ha lúa 2 vụ). Địa phương tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vật nuôi, cây trồng, đồng thời quan tâm chỉ đạo cán bộ khuyến nông phối hợp cùng các phòng, ban, trạm, trại của thành phố, tỉnh tổ chức được 37 lớp chuyển giao KHKT cho trên 1.300 lượt người dân tham gia. Qua đó, người dân đã áp dụng vào thực tế sản xuất và đạt thu nhập cao. Đơn của như gia đình bác Dương Minh Ngọc ở xóm 13, từ những kiến thực đã được tập huấn cũng như qua kinh nghiệm của bản thân, bác đã đầu tư nuôi ong lấy mật, cấy lúa, trồng màu, nuôi cá... mỗi năm trừ chi phí thu nhập trên 90 triệu đồng. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng được địa phương quan tâm xây dựng, tu sửa, nâng cấp, giúp người dân chủ động được nguồn nước tưới tiêu...

 

Trước những điều mắt thấy, tai nghe chúng tôi hiểu rằng miền quê này đã có những bước chuyển mình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Đồng chí Bùi Thị Nhung, Bí thư Đảng bộ xã cho biết: Phúc Hà là xã miền núi ở phía Bắc của thành phố Thái Nguyên, có diện tích đất tự nhiên trên 6,8km2, trên 1.100 hộ dân và hơn 4.000 nhân khẩu. Từ năm 2005 trở lại đây, do ảnh hưởng của một số dự án như: Đường tránh thành phố Thái Nguyên, mở rộng khai trường khai thác than Khánh Hòa nên diện tích đất lâm, nông nghiệp của người dân bị thu hồi. Thêm vào đó, đất đai nơi đây bạc màu nên năng suất cây trồng thấp, đời sống của người dân vì thế gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền nơi đây vẫn còn những tồn tại nhất định nhưng một điều đáng nói là với mong muốn cuộc sống của nhân dân ngày một được cải thiện, chúng tôi đã luôn cố gắng khắc phục khó khăn để vươn lên. Nhờ đó, kinh tế địa phương đã phát triển khá ổn định. Mặc dù chưa hết nhiệm kỳ 2005-2010, nhưng một số chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 8 triệu đồng/người/năm, tăng hơn trên khoảng 2 triệu đồng so với chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.100tấn, tăng 9% so với kế hoạch; giá trị sản phẩm trên một héc – ta đất nông nghiệp đã đạt 45 triệu đồng, giá trị sản phẩm trên diện tích trồng chè, cây ăn quả đạt 50 triệu đồng/ha/năm; bê tông hóa được 98% hệ thống đường của xã... Hằng năm, xã đã giải quyết việc làm với mức thu nhập khá ổn định cho khoảng 100 lao động địa phương vào những lúc nông nhàn. Đặc biệt thời gian vừa qua, xã đã làm việc với Mỏ than Khánh Hòa về việc tuyển dụng lao động vào làm việc tại đơn vị, theo đó sẽ có khoảng trên 100 lao động địa phương được tuyển dụng trong thời gian tới. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,4% (năm 2005 là trên 12%), đây là con số rất đáng ghi nhận  bởi theo tiêu chí mới, số hộ nghèo của xã đã tăng lên đáng kể so với đầu nhiệm kỳ.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, kinh nghiệm để đạt được những kết quả trên của xã Phúc Hà là: Luôn quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến quần chúng, nhân dân, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào điều kiện thực tế của địa phương, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, phát huy quyền dân chủ và làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội; khai thác, phát huy sức mạnh nội lực kể cả vật chất và tinh thần, sức lực, trí tuệ để xây dựng địa phương phát triển vững mạnh toàn diện..