Chuyển đổi cây trồng ở Gia Sàng

14:18, 02/08/2009

25 hộ dân ở phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) đã chuyển đổi từ cấy lúa, trồng màu sang trồng hoa, cây cảnh,  những mô hình chuyển đổi này đang bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân

 

Trần Minh Tuấn, ở tổ 3 say mê cây cảnh từ nhỏ, đi học về rời cặp sách là chạy một mạch ra vườn chiết, trồng, uốn, tỉa tuyết mai. Thấy cây đẹp, nhiều người đến hỏi mua về trưng Tết. Năm 2006, anh bán được 30 chậu, thu được gần 1 triệu đồng. Trồng cây với Tuấn chỉ là cái thú, thế mà lại được tiền, anh nảy ra ý định gắn bó với nghề này. Ban đầu, Tuấn cắt những cành Tuyết mai mọc ở bờ rào về râm, khoảng 2 tháng sau đưa ra vườn trồng thành luống, cây lên đến đâu, anh lại lấy dây thép uốn đến đó để tạo dáng.  Ngoài tuyết mai em trồng thêm các loại hoa: Hồng, Đồng tiền, Cẩm tú, ớt cảnh… Sau 3 năm, mảnh vườn trước sân khi xưa gia đình thường trồng lạc, trồng ngô nay được thay thế bằng những luống hoa hồng, bonsai đẹp mắt. Từ diện tích hoa, cây cảnh này mỗi năm Tuấn thu lãi khoảng 60 triệu đồng. Tuấn tâm sự: Không được học về kỹ thuật nên trong quá trình trồng và chăm sóc cây cảnh cũng thường hỏng, quá trình trồng em rút kinh nghiệm, dần dần tỷ lệ thành công cũng cao lên. Hiện, em rất muốn đầu tư vào các loại cây cảnh cao cấp, nhưng do không có kỹ thuật, kinh nghiệm chưa nhiều nên không dám.

 

Khác với anh Tuấn, bác Nguyễn Xuân Thanh, tổ 3 đến với nghề bởi cấy lúa, trồng màu cho thu nhập thấp. Trước đây, trồng lúa cao lắm cũng chỉ thu được 900 nghìn đồng/sào/năm. Năm 2005, thấy một số hộ xung quanh trồng hoa cho thu nhập cao hơn, nên bác đã chuyển một phần diện tích đất ruộng sang trồng hoa: Hồng, Cúc, Lay ơn… kết quả là vẫn mảnh ruộng ấy đã cho thu nhập trên 10 triệu đồng. Riêng năm 2008, bác trồng 300 gốc hoa Ly, thu được 15 triệu đồng. Vụ hoa năm nay, bác dự kiến sẽ trồng 1.000 củ hoa ly. Điều bác Thanh còn lo ngại là, cách trồng và chăm sóc hoa bác chỉ áp dụng theo những người đi trước, mà những người đi trước thì cũng tự mày mò nên chất lượng hoa còn thấp, bông nhỏ hơn so với hoa nhập từ Sa Pa, Đà Lạt… nên phải  bán với giá rẻ hơn 3-5 nghìn đồng/cành.

 

Ngoài việc trồng hoa đem lại lợi ích kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, một lý do khiến nhiều hộ dân trong phường chuyển đổi từ cấy lúa, trồng màu sang trồng hoa, cây cảnh là do đặc thù phần lớn đất đai ở đây chỉ trồng được 1 vụ vào mùa khô bởi mùa mưa thường bị úng lụt do nước sông Cầu dâng lên. Chị Nguyễn Thị Nguyên, Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: Phong trào trồng hoa, cây cảnh chỉ mới phát triển mạnh từ năm 2008. Đến nay toàn phường có khoảng 25 hộ trồng với tổng diện tích gần 40 sào. Do tự phát nên diện tích manh mún, mỗi hộ trồng từ 1-5 sào, rải rác ở các tổ: 3, 7, 8, 13, 15... Thêm vào đó, các hộ trồng chủ yếu trên cơ sở tự mày mò, rút kinh nghiệm mà chưa qua một khóa đào tạo nào, nên hiệu quả chưa cao.

 

Với đặc thù điều kiện đất đai nơi đây, hy vọng trong tương lai địa phương có thể phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh thành vùng hàng hóa. Muốn vậy, các ngành, đoàn thể cần quan tâm, tạo điều kiện bằng cách tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc để các hộ tiếp cận được khoa học kỹ thuật; hỗ trợ về giống, phân bón, nhằm giảm bớt khó khăn cho nông dân…