Doanh nghiệp dân doanh khẳng định vị thế

09:39, 06/08/2009

Chuyện vượt khó của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp dân doanh (DNDD) ở thời điểm hiện nay không dễ. Tuy nhiên, qua ghi nhận từ thực tế, không ít DNDD trên địa bàn Thái Nguyên vẫn duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định và có những nét khởi sắc mới. Điều đó đã một lần nữa khẳng định những đóng góp đáng kể của các DNDD trong phát triển kinh tế địa phương.

 

Xin nêu một ví dụ cụ thể về sự vượt khó, đóng góp của một DNDD trên địa bàn tỉnh. Đó là Công ty TNHH Hoàng Mấm - một trong những doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực xây dựng cơ bản, sản xuất hàng nội thất uy tín của tỉnh nhiều năm nay. Trong giai đoạn vừa qua, sự suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của Công ty.

 

Cuối năm 2008 và hai tháng đầu năm nay, các sản phẩm nội thất của đơn vị xuất bán ra thị trường rất chậm, đơn đặt hàng cũng giảm nhiều so với trước. Công ty có Nhà máy sản xuất đồ nội thất công suất hàng nghìn sản phẩm mỗi năm, nên việc thị trường lắng xuống khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Công ty đã tổ chức họp bàn để tìm các giải pháp tháo gỡ. Một trong những giải pháp được đưa ra là gấp rút triển khai thâm nhập thị trường bên ngoài để tăng thị phần bán hàng.

 

Cùng với thị trường truyền thống là Thái Nguyên, Công ty đã tìm đến các tỉnh khác là Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn…, bởi đây là thị trường tiềm năng, thuận lợi giao dịch và có những ưu đãi nhất định. Bằng uy tín và chất lượng sản phẩm, 6 tháng đầu năm nay, Công ty đã ký được một số hợp đồng với các đối tác ngoài tỉnh và bán lẻ được nhiều sản phẩm nội thất khác. Tình trạng hàng tồn kho thời gian qua của Công ty đã được giải quyết. Ông Hoàng Gia Huệ, Giám đốc Công ty cho biết: Mặc dù rất khó khăn, nhưng từ đầu năm đến nay chúng tôi đã phấn đấu đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng, ngang bằng cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả khả quan mà doanh nghiệp chúng tôi không dám nghĩ tới.

 

Cả tỉnh hiện có trên 1.500 DNDD, trong đó chiếm phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mặc dù sức cạnh tranh ch­ưa cao, lại chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực th­ương mại, dịch vụ và chế biến nhỏ, nh­ưng thời gian qua, nhờ các cơ chế, chính sách ­ưu đãi của tỉnh và nội lực của từng đơn vị mà các doanh nghiệp này đã dần v­ươn lên trụ vững trên thị trường. Tổng vốn đầu t­ư của các DNDD tuy chư­a phải lớn, khoảng trên 3.300 tỷ đồng, nh­ưng cũng đư­ợc xem là có đủ sức để đẩy mạnh phát triển trong xu thế hội nhập và khắc phục khó khăn hiện nay.

 

Trong những năm qua, kết quả sản xuất, kinh doanh của các DNDD không ngừng tăng tr­ưởng cả về số lượng và chất l­ượng. Hằng năm, lực lư­ợng này đóng góp cho ngân sách địa ph­ương từ 15-25% tổng ngân sách cả tỉnh. Một điểm đáng l­ưu ý là những năm gần đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp tập trung vào hoạt động xuất khẩu với các sản phẩm thế mạnh của tỉnh như­ chè, khoáng sản, may mặc…Chính từ đó đã góp phần nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu trung bình của tỉnh lên 50-70 triệu USD/năm. Một điểm nữa cũng đáng quan tâm là khoảng vài năm trở lại đây, một số DNDD đã tích cực đầu t­ư tại địa phư­ơng với tổng trị giá khoảng hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến một số dự án đầu t­ư quy mô lớn như­: Trung tâm th­ương mại Thái Nguyên, Chợ Thái - T.P Thái Nguyên, Nhà máy may xuất khẩu - KCN Sông Công, Nhà máy vật liệu chịu lửa - Phổ Yên, Nhà máy luyện gang Trại Cau - Đồng Hỷ, Nhà máy luyện xỉ titan Cây Châm - Phú Lương… Mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, song đối với những công trình đang thi công, các doanh nghiệp vẫn quyết tâm huy động mọi nguồn vốn để tiếp tục duy trì đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng.

 

Trong cộng đồng các doanh nghiệp của tỉnh, khối các DNDD được đánh giá là khá hùng hậu. Bởi vậy, thời gian qua khối doanh nghiệp này đã đóng góp rất nhiều cho ch­ương trình giải quyết việc làm của địa phương. Hiện nay, các doanh nghiệp đã tạo việc làm cho gần 21.000 lao động. Riêng từ đầu năm 2009 đến nay cũng đã có khoảng 1.000 lao động đ­ược nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp trên. Cùng với đó, các hoạt động chăm lo đến lợi ích, quyền hạn của người lao động cũng đã đư­ợc quan tâm đúng mức. Nhờ đó, cuộc sống của nhiều lao động đ­ược ổn định hơn, giúp họ yên tâm làm việc và cống hiến hơn.

 

Trong xu thế cạnh tranh, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, giới DNDD Thái Nguyên cũng đã ý thức và chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để áp dụng và làm chủ khoa học công nghệ. Nhận thức rõ xu h­ướng chung và tất yếu hiện nay là hiện đại hoá quản lý doanh nghiệp, sử dụng tin học trong quản lý, nên hầu hết các DNDD trong tỉnh đã sử dụng máy vi tính và phần mềm quản lý doanh nghiệp. Nhờ đó, tính cập nhật, chính xác và nhanh chóng của thông tin, dữ liệu kinh tế đ­ược đảm bảo hơn tr­ước rất nhiều. Để khẳng định uy tín, chất l­ượng và thư­ơng hiệu của mình, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tiếp cận các tiêu chuẩn n­ước ngoài và quốc tế dành cho chất l­ượng các sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã đăng ký đ­ược mẫu mã, nhãn hiệu sản phẩm của mình trên thị trư­ờng. Toàn tỉnh hiện có trên 20 nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích đ­ược công nhận. Trong đó, phải kể đến các thư­ơng hiệu chè Hoàng Bình, nồi Inox NIHA, may mặc Gasco…

 

Việc các DNDD vượt khó vươn lên khẳng định vị thế của mình trong thời gian qua là một tín hiệu đáng mừng. Chính điều đó đã tạo ra bước đột phá lớn góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển bền vững.