Hỗ trợ phát triển nông nghiệp: Cam kết từ các nhà khoa học

09:14, 11/08/2009

    Tại Viện khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc-gọi tắt là Viện Nông nghiệp (trụ sở tại thị xã Phú Thọ-tỉnh Phú Thọ), đại diện các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đã cam kết sẽ hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp tại Thái Nguyên. Đây là kết quả đạt được trong khuôn khổ chương trình làm việc gần đây giữa UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT với các viện, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng phát triển nông nghiệp.  

 

Trước khi có buổi làm việc tại Phú Thọ, UBND tỉnh Thái Nguyên đã mời các chuyên gia của Viện Nông nghiệp Việt Nam đến khảo sát thực tế và có thỏa thuận ghi nhớ về sự hợp tác lâu dài. Tại buổi làm việc tại Phú Thọ lần này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã rất thẳng thắn đề xuất và đặt hàng cụ thể từng lĩnh vực nông nghiệp với Viện Nông nghiệp, trong đó chú trọng đến công nghệ, kỹ thuật và tiến bộ khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng chí mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chỉ rõ những loại cây trồng cụ thể có thể phù hợp với điều kiện sản xuất tại Thái Nguyên nhằm thông qua các mô hình trình diễn định hướng cho nông dân trong tỉnh. Đồng chí cũng đề nghị Viện quan tâm đến các sản phẩm cây bản địa có thể trồng tại địa phương để sản xuất các mặt hàng đặc sản. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cần phân tích rõ cơ cấu giá trị cây trồng trên một đơn vị diện tích, cách làm, chỉ ra vùng nào của tỉnh là thích hợp, kỹ thuật nào tiến bộ nhất để có thể chuyển giao…

 

Sau khi trao đổi, trên cơ sở những nghiên cứu thực tế tại Thái Nguyên, các nhà khoa học đại diện cho Viện Nông nghiệp, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp đã cam kết sẽ hỗ trợ phát triển nông nghiệp Thái Nguyên bắt đầu ngay trong tháng 8 này. Cụ thể, đối với cây chè, đại diện phía Viện Nông nghiệp (chuyên nghiên cứu phát triển cây chè) cho rằng, tới đây Thái Nguyên có thể sẽ đứng đầu cả nước về diện tích. Tuy nhiên, tỉnh không nên mở rộng diện tích trồng chè nữa mà tập trung thay thế chè trung du kém hiệu quả đang tồn tại hiện nay bằng cây chè giống mới, năng suất, chất lượng cao hơn. Tới đây, Viện sẽ giới thiệu và chuyển giao về Thái Nguyên hai giống chè mới là PH8, PH9 nhằm tăng lượng sản xuất chè ô long trên địa bàn. Đây là hai giống chè cho năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Tiến tới sẽ sản xuất giống hai loại chè này ngay tại địa phương. Thái Nguyên là tỉnh có diện tích chè Phúc Vân Tiên (giống mới) để chế biến chè xanh đặc sản lớn nhất cả nước, nhưng đa số vẫn sản xuất thủ công, năng suất thấp, bởi vậy tới đây tỉnh nên đưa máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất nhằm khai thác lợi thế này. Hiện nay, Viện cũng đang giúp tỉnh xây dựng bản quyền xuất xứ chè Thái Nguyên với giá trị 950 triệu đồng; chương trình cung ứng phân bón chè khoảng 1 tỷ đồng…

 

Đối với cây lúa, phía đại diện Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cam kết sẽ áp dụng bộ giống lúa chất lượng, phù hợp vào đồng đất Thái Nguyên. Trước tiên sẽ triển khai mô hình trình diễn 5 ha với 5 giống lúa mới ngay trong vụ xuân tới đây. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp mở rộng mô hình trình diễn tại 9 huyện, thành, thị trong tỉnh. Viện sẽ cung cấp toàn bộ lúa giống cho các mô hình này. Mỗi vụ lúa, Viện sẽ thực hiện một mô hình trình diễn (luân phiên các địa điểm khác nhau), sau đó mời bà con nông dân đến tham quan, lựa chọn. Cam kết đưa bộ giống lúa mới vào Thái Nguyên, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm kỳ vọng sẽ góp phần nâng năng suất lúa bình quân của tỉnh từ trên 50 tạ/ha lên 60 tạ/ha, bằng mức bình quân chung của cả nước.

 

Về phát triển cây rau, hoa quả, cây cảnh trên địa bàn tỉnh, đại diện Viện Nghiên cứu rau quả cho biết đã tổ chức làm quy hoạch rau, hoa quả cho cả tỉnh và T.P Thái Nguyên. Trong đó, đã triển khai dự án trồng 4 loại hoa là: hoa cúc, ly, loa kèn và đồng tiền. Viện cũng đã thực hiện Dự án trồng rau an toàn tại T.P Thái Nguyên nhưng chưa hiệu quả. Bởi vậy, theo đề nghị của tỉnh, tới đây Viện sẽ tiến hành khảo sát xây dựng các dự án trồng rau an toàn, trong đó lưu tâm đến các loại rau bản địa như: su su, bí, ngót rừng…Viện cũng hứa sẽ đưa bộ giống hoa đào mới của Trung Quốc, trông lạ mắt, đẹp, dáng cây phong phú vào trồng thử nghiệm tại Thái Nguyên.

 

Một loại cây trồng tạo sự chú ý và được đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh tâm đắc và có ý kiến đề xuất nhiều nhất tại buổi làm việc chính là các loại nấm ăn có giá trị. Phía Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) cho rằng, hiện nay Thái Nguyên đã và đang phát triển mạnh loại hình này. Trung tâm đã triển khai thực hiện Dự án trồng nấm và chuyển giao công nghệ trồng nấm ăn tại huyện Đại Từ, kết quả đạt được rất khả quan. Đại diện Trung tâm mong muốn Thái Nguyên phát triển mạnh cây nấm bằng cách xây dựng mô hình trang trại điểm về trồng nấm ở cả 9 huyện, thành, thị. Từ đó, sẽ cung cấp giống nấm cho các trang trại, tiến tới phát triển thêm 5-7 loại nấm chứ không chỉ dừng lại ở 3 loại như hiện nay. Trung tâm cũng hứa sẽ đề nghị Viện Di truyền nông nghiệp đưa Thái Nguyên vào kế hoạch thực hiện các mô hình trồng nấm năm 2010 (từ 2-3 mô hình) của Viện. Hơn nữa, Trung tâm còn cam kết sẽ bảo trợ kỹ thuật trồng nấm cho các trang trại của Thái Nguyên và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nấm ăn của địa phương.

 

Buổi làm việc diễn ra rất sôi nổi, hiệu quả và đúng trọng tâm. Tại đây tính chất của nhiều loại cây trồng cũng đã được phân tích, mổ xẻ để tìm ra tính ưu việt và đặc điểm thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu Thái Nguyên. Qua buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên mong muốn sẽ nhận được sự cộng tác, giúp đỡ nhiệt tình trong chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu góp phần giúp địa phương đẩy mạnh phát triển các loại cây nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất hàng hoá địa phương...