Khi hộ nghèo có “chiếc cần câu”!

13:40, 03/08/2009

Hết năm 2009 giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới từ 34 xuống còn 19 hộ - đó là mục tiêu mà Thị trấn Sông Cầu, Huyện Đồng Hỷ đang nỗ lực phấn đấu. Cấp uỷ, chính quyền nơi đây xác định nếu chỉ để chạy theo số lượng và thành tích thì đơn giản, cái khó là phải làm thế nào giúp các hộ dân thoát nghèo bền vững. 6 năm qua Thị trấn Sông Cầu không có hộ nào tái nghèo nhờ những cách làm hay.

 

Nói theo cách ví von, hình tượng thì Thị trấn Sông Cầu đã giúp các hộ nghèo có được những “chiếc cầu câu”, chứ không phải trao cho hộ nghèo những “con cá”. Khi đồng tiền đến tay hộ nghèo được chuyển hoá thành kiến thức về KHKT, cách thức tổ chức làm ăn, thành cây trồng, vật nuôi giống mới cho năng suất chất lượng cao thì người nghèo sẽ không mấy khó khăn khi bước qua ranh giới của cái nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. - Chúng tôi dứt khoát quan điểm, nếu hộ nghèo nào không tham gia các lớp học tập về chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, cách sử dụng đồng vốn có hiệu quả… thì không được vay vốn. Ông Trần Văn Khôi, Chủ tịch UBND Thị trấn Sông Cầu nhấn mạnh.

 

-Tức là phải tham gia đầy đủ các lớp tập huấn? Tôi hỏi.

 

-Không phải chỉ có tập huấn đơn thuần mà các hộ nghèo phải tham gia các lớp học tập ngắn hạn (ít nhất là 4 tháng), do thị trấn phối hợp với Tổng công ty chè Sông Cầu và các ngành chức năng của tỉnh tổ chức mỗi năm một lần. Các thành viên tham gia được miễn phí, cấp tiền ăn trưa, sau mỗi khoá học được cấp chứng chỉ. Chứng chỉ là một trong những yêu cầu cần và đủ để hộ nghèo được vay vốn đầu tư cho sản xuất. Để giúp đỡ một hộ nghèo nào đó thoát nghèo, trước tiên chúng tôi giao cụ thể cho Hội Nông dân hoặc Hội Phụ nữ… phân công cán bộ phụ trách, giúp đỡ, hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn. Nếu hộ nghèo nào chưa có nhà ở, hoặc phải ở nhà tranh dột nát, sẽ được địa phương trích Quỹ Người nghèo hỗ trợ tiền làm nhà; tạo điều kiện cho vay vốn luân chuyển phát triển chăn nuôi, trồng trọt… Nhờ cách làm này mà nhiều năm qua Thị trấn Sông Cầu không có hộ nào tái nghèo. Năm 2004, thị trấn có hơn 70 hộ nghèo theo tiêu chí cũ, thị trấn đã gần xoá xong. 2 năm trở lại đây, thị trấn lại điều tra, rà soát lại hộ nghèo theo tiêu chí mới con số đó là 34 hộ, thị trấn đang phấn đấu trong năm 2009 sẽ giúp đỡ 15 hộ thoát nghèo.

 

Rời trụ sở UBND thị trấn chúng tôi đi một vòng quanh Thị trấn Sông Cầu, sự thịnh vượng, trù phú hiển hiện trên từng nương chè, ruộng lúa, đồi cây. Ở đâu cũng xanh mướt một màu, thật khó để nhìn thấy một vuông đất trống; thật khó để nhìn thấy một ngôi nhà tranh vách đất; và cũng thật khó để phân biệt đâu là hộ giàu đâu là hộ nghèo. Từ chủ trương làm nhà cho hộ nghèo trước khi giúp họ thoát nghèo đã làm đổi thay diện mạo của thị trấn nhỏ, thị trấn không còn nhà tranh vách đất dột nát. 100% đường làng ngõ xóm được bê tông, đi lại thuận tiện. Người dân Thị trấn Sông Cầu chủ yếu sống dựa vào cây chè và coi cây chè là cây kinh tế mũi nhọn với diện tích chè kinh doanh lên tới hơn 440 ha, trong khi đất lúa chỉ có 34 ha. Bên cạnh đó, để tăng thêm nguồn thu nhập, phát triển chăn nuôi lợn, gà theo hướng trang trại cũng được người dân quan tâm, chú trọng đầu tư. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, đàn lợn thịt đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái; gà tăng 48%...

 

Ông Trần Văn Khôi cho biết: Không phải chúng tôi chỉ chăm chắm vào mỗi cây chè mà không tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Cây vải, cây nhãn cũng đã được đưa vào trồng ở đất này; con trâu, con bò thịt cũng đã được đưa vào nuôi. Song hiệu qủa kinh tế thu được không bền vững, giá cả bấp bênh, thị trường đầu ra không ổn định người dân cũng nản. Tổng đàn trâu, bò 6 tháng qua đã giảm 35% so với cùng kỳ; nhiều diện tích vải đã bị chặt hạ để trồng chè cành. Muốn xoá được nghèo thì phải tìm hiểu rõ nguyên nhân của cái nghèo, điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ gia đình, để có hướng giúp đỡ cho phù hợp. Chứ không thể đưa cho họ một món tiền là xong…

 

Vì người nghèo, với nghĩa tinh thần “lá lành đùm lá rách”, các gia đình ở Thị trấn Sông Cầu đã tự nguyện đóng góp vào Quỹ Người nghèo 10.000 đồng/người/hộ/năm. Từ nguồn Quỹ này, những hộ nghèo ở nơi đây đã có được những căn nhà kín trên, bền dưới, có được lưng vốn để đầu tư sản xuất… Cái sự nghèo sẽ bị đẩy lùi khi có sự đồng thuận, chung vai của cả cộng đồng xã hội, sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền.