Chị Hà Thị Loan sinh năm 1968, dân tộc Nùng ở xóm 4, xã Tân Dương (Định Hóa) là một gương phụ nữ làm kinh tế tiêu biểu.
Gia đình chị Loan có 7 sào ruộng chủ yếu cấy hai vụ lúa và trồng một vụ ngô nên thu nhập rất thấp. Từ năm 2006 trở về trước gia đình chị là hộ cận nghèo của xóm. Với khát vọng làm giàu, năm 2006, khi xã triển khai chương trình "Nuôi gà an toàn sinh học" chị đã mạnh dạn tham gia. Do diện tích đất vườn nhà hẹp nên việc nuôi gà gặp nhiều khó khăn, chị nuôi thử 50 con gà/lứa/4 tháng và chỉ cho thu nhập 4 triệu đồng/lứa. Trừ chi phí lãi rất thấp. Không nản lòng, chị lại bàn với chồng đầu tư máy xay xát liên hoàn trị giá 15 triệu đồng để phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân trong xóm.
Từ khi có máy xay xát, lượng thức ăn cám, tấm thừa rất nhiều mà lại không nuôi gà nên rất lãng phí. Chị bàn với chồng nuôi lợn thịt với quy mô lớn hơn để tận dụng nguồn cám tấm dư thừa đó. Trước đây, gia đình chị chỉ nuôi từ một đến ba con lợn thịt, giờ chị quyết định đầu tư nuôi 30 con lợn thịt. Tất cả số tiền tiết kiệm của gia đình đã đầu tư hết vào việc mua máy xát, chị chạy vạy vay khắp nơi nhưng các hộ khác trong xã cũng khó khăn như gia đình chị. Đúng thời điểm đó, Hội Nông dân triển khai chính sách cho người dân vay vốn. Gia đình chị thuộc diện gia đình chính sách, nhưng không phải hộ nghèo nên không được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi nhưng chị vẫn quyết tâm vay.
Nói là làm, chị đi học hỏi kinh nghiệm qua các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi của Hội Phụ nữ xã, tự xem sách báo, nghe đài và mày mò học hỏi kinh nghiệm của các chị em đi trước. Với số tiền được vay là 10 triệu đồng, chị tự mình đi chọn lựa các loại giống lợn ở chợ và các hộ dân trong xã. 30 con lợn mua về chị chia làm 3 lứa gối nhau liên tiếp và 4 tháng xuất chuồng một lần. Trong chăn nuôi, chị chú trọng dến việc phòng dịch bệnh. Chị cho tiêm đủ các mũi phòng phó thương hàn, sưng phù đầu, tụ huyết trùng… Gia đình chị xây dựng bể bioga để vệ sinh chuồng trại và tận dụng cho đun nấu và thắp sáng. Sau một năm chăn nuôi lợn thịt, gia đình chị đã trả hết cả gốc và lãi cho Hội Nông dân và thu lãi được số tiền trên 20 triệu đồng.
Thấy chăn nuôi lợn thịt đem lại hiệu quả kinh tế cao gia đình chị tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi có quy mô kế hoạch hơn. Trong xóm chị là hộ đầu tiên thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt lớn đạt hiệu quả kinh tế cao. Thấy chị chăn nuôi "mát tay", các chị em phụ nữ trong xóm đã đến học hỏi kinh nghiệm và được chị Loan chia sẻ rất nhiệt tình.
Nhưng không phải lúc nào chăn nuôi cũng đều thuận lợi cả. Chị Loan tâm sự: “Năm 2008 mấy lứa lợn bị dịch bệnh, lứa thì khi bán giá thành đột ngột hạ nên bị lỗ gần 20 triệu đồng. Nhưng tôi vẫn không nản lòng và quyết tâm khắc phục mọi khó khăn để làm giàu.”
Hiện trong chuồng nhà chị có gần 40 con lợn thịt chia làm 3 lứa. Chị cho biết: "Trong thời gian tới, nếu được nhà nước hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế thì gia đình tôi sẽ mở rộng phát triển theo quy mô trang trại". Theo tính toán của gia đình chị Loan thu nhập bình quân từ chăn nuôi lợn thịt và nguồn máy xay xát hàng năm là trên 70 triệu đồng.
Gia đình chị có ba cô con gái hiện các cháu đều đang đi học. Hai cô con gái một đang học trường Cao đẳng Y tế và một đang học Dược, cô con út đang học lớp 12. Chị luôn luôn tâm niệm phải tạo điều kiện tốt nhất để các con mình học tập lấy một cái nghề để sinh sống.
Bà Ma Thị Thảo, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Tân Dương cho biết: "Xã Tân Dương là xã 135 giai đoạn 2 nên còn nhiều khó khăn. Chị Loan là một trong những gương phụ nữ điển hình đã mạnh dạn vượt khó phát triển kinh tế hộ gia đình đạt hiệu quả cao."