Thấy gì sau 15 năm triển khai chương trình lúa lai?

08:17, 18/08/2009

Chương trình đưa lúa lai vào trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, tiến tới làm cây mũi nhọn để thúc đẩy phát triển lương thực đã được triển khai tại Thái Nguyên từ năm 1995. Tuy nhiên đến nay, rất ít năm, diện tích lúa lai được hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Có nhiều nguyên nhân khiến lúa lai không "vào" được mặc dù năng suất cao hơn lúa thuần ít nhất từ 10-15%.

 

Chúng tôi đã có buổi làm việc với đồng chí Luân Văn Thìn, Phó phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT, được biết: Việc đưa giống lúa lai vào sản xuất trên địa bàn tỉnh nhiều năm qua nhìn chung không thuận lợi, rất ít vụ, ít năm hoàn thành kế hoạch đặt ra, mặc dù diện tích gieo cấy không lớn, chỉ chiếm khoảng 10-15% trong tổng diện tích gieo trồng. Đơn cử như trong vụ Xuân năm 2008, kế hoạch đề ra của cả tỉnh là 5.000 ha, nhưng chỉ thực hiện được 2.809ha, trong khi tổng diện tích cấy lúa của tỉnh là 27.381ha; hay như trong vụ Xuân năm 2009, toàn tỉnh cũng chỉ gieo cấy được 3.365 ha lúa lai trên tổng diện tích lúa 28.636 ha, bằng 67,3% kế hoạch. 3 huyện là Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương là có diện tích lúa lai nhiều hơn cả, tuy nhiên, so với tổng diện tích gieo cấy lúa trên địa bàn huyện cũng chỉ chiếm trên dưới 10%. Một trong những lý do khiến những địa phương này có diện tích trồng lúa lai nhiều hơn các địa phương khác là do đất trồng lúa ở các huyện này thuộc loại đất thịt, sâu chân, phù hợp với việc sinh trưởng, phát triển của lúa lai, do đó, năng suất trung bình thường đạt từ 2,3 - 2,5 tạ/sào (trong khi lúa thuần chỉ đạt từ 1,8 - 2 tạ/sào).

 

Còn đối với các huyện như: Phú Bình, Phổ Yên, T.X Sông Công… với đặc điểm đất trồng lúa chủ yếu là đất pha cát nên việc sinh trưởng và phát triển của cây lúa nói chung, lúa lai nói riêng không cao bằng các địa phương kể trên. Do đó, khi đưa lúa lai vào trồng, với những đặc điểm "khó tính" của loại lúa này thì công chăm sóc bao giờ cũng đòi hỏi cao hơn lúa thuần rất nhiều nên khi hạch toán, hiệu quả từ gieo cấy lúa lai thường không cao hơn, thậm chí có thời điểm và có loại giống còn thấp hơn lúa thuần.

 

Cùng chung quan điểm của đồng chí Luân Quang Thìn, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình Bùi Thị Hợp cũng đưa ra một số nguyên nhân khác khiến việc triển khai trồng lúa lai trên địa bàn huyện lâu nay gặp khó khăn. Trước hết phải kể đến nguyên nhân không chủ động được giống và giá thóc giống thường rất cao (gấp từ 2-4 lần giống lúa thuần, mặc dù đã được tỉnh trợ giá 15.000 đồng/kg. Giá trung bình 1 kg lúa lai đã được trợ giá là từ 25 nghìn - 30 nghìn đồng/kg, cá biệt có giống lên tới 43.000 đồng/kg). Bên cạnh đó, lúa lai lại khó tiêu thụ hơn lúa thuần do không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng (lúa lai cho gạo ăn thường dẻo, không đậm cơm), vì thế, loại lúa này thường được người dân sử dụng vào chăn nuôi.  Ngoài ra, lúa lai lại rất mẫn cảm với thời tiết. Cùng gặp thời tiết bất lợi thì tỷ lệ lép của lúa lai bao giờ cũng cao hơn lúa thuần. Để minh chứng vì sao năng suất lúa lai dù cao hơn lúa thuần từ 10-15% nhưng hiệu quả lại không cao hơn, đồng chí Bùi Thị Hợp tính nhẩm: Năng suất trung bình 1 sào lúa thuần đạt từ 1,8 - 2 tạ thì lúa lai đạt khoảng 2-2,3 tạ/sào. Tính thành tiền giá thóc của lúa lai như hiện nay là 3.700 đồng nghìn/kg, còn lúa thuần là 4.000 đồng, thì lượng thóc từ 1 sào lúa lai bán được từ 740.000 - 850.000 đồng, còn lúa thuần được từ 720.000 - 800.000 đồng. Trong khi đó, việc đầu tư cho 1 sào lúa lai cao hơn lúa thuần ít nhất là từ 15.000 - 30.000 đồng tiền giống và 2kg đạm.

 

Chính vì thế, nhiều năm qua, tỷ lệ lúa lai trong tổng diện tích gieo trồng của Phú Bình chiếm tỷ lệ rất thấp: Khoảng 5-6% trong vụ Đông - Xuân và 1-2% trong vụ mùa, mặc dù, năm nào, cơ quan chức năng của huyện cũng thực hiện các ô mẫu để người dân có cơ sở đối chứng. Đặc biệt, năm 2007, ngoài phần trợ giá của tỉnh, huyện Phú Bình cũng dành kinh phí hỗ trợ mỗi kg thóc giống là 5.000 đồng, như vậy giá mỗi kg lúa lai khi đó chỉ còn khoảng 2.000 đồng (thấp hơn cả giá thóc thịt) nhưng người dân vẫn không trồng. Cũng theo đồng chí Bùi Thị Hợp, trong số các giống lúa lai hiện nay, giống Syn6 được nhiều người ưa chuộng do chất lượng ngon hơn hẳn nhưng lại gặp khó khăn về giống, do hầu hết lượng giống tỉnh ta đều phải nhập từ Trung Quốc và từ các tỉnh khác. Có khi đợi mãi lại không có, điều này càng khiến người dân đắn đo, ngại ngần khi đưa lúa lai vào trồng.

 

Từ thực tế và những phân tích được đưa ra trên đây, chúng tôi nhận thấy, đối với những huyện như Phú Bình, cơ quan chức năng của tỉnh nên xem xét lại việc giao chỉ tiêu kế hoạch diện tích gieo cấy lúa lai hàng năm, tránh tình trạng cấp trên cứ giao nhưng bà con nông dân lại không thực hiện vì không hiệu quả. Cũng từ đó các cơ quan chức năng sẽ đưa ra được biện pháp phân bổ lượng thóc giống cho phù hợp với nhu cầu thực tế của từng địa phương, để không xảy ra việc nơi cần không có, nơi có không cần. Hoặc ít nhất cũng đưa ra được lời giải về phát huy hiệu quả của sự đầu tư của Nhà nước cho chương trình phát triển cây lúa lai trên địa bàn tỉnh…