Lãi suất được ngân hàng giữ ổn định ở mức 3-5%, tín dụng ngoại tệ đang thu hút sự chú ý từ phía doanh nghiệp với tốc độ tăng trưởng ổn định trong tháng 7.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay ngoại tệ tăng 1,2% trong tháng 7. Tốc độ tuy chưa cao song đáng chú ý nếu xét tới bối cảnh tín dụng ngoại tệ liên tục giảm và chạm đáy vào tháng 4, chỉ bắt đầu nhúc nhích tăng trở lại từ tháng 5-6.
Việc các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay USD theo hướng giảm dần đã thu hút sự chú ý của doanh nghiệp, vốn chỉ thích mua mà không thích vay ngoại tệ. Lãi suất USD của các ngân hàng giảm phổ biến từ 4,5-6% (tháng 5) và 4-6% (tháng 6) xuống còn 3-5% trong tháng 7. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá vẫn là rào cản lớn về mặt tâm lý đối với các doanh nghiệp muốn vay vốn bằng ngoại tệ.
Nhằm giảm sức ép đối với lãi suất đầu ra, các ngân hạng thương mại cũng giảm nhẹ lãi suất huy động, chỉ còn 1,1-2,5% một năm, so với mức 1,24-2,65% áp dụng hồi cuối tháng 5.
Trong khi đó, lãi suất VND tiếp tục tăng, hiện phổ biến từ 8,24 đến 8,62% đối với huy động và từ 8,5 đến 10,5% cho vay (chưa tính hỗ trợ lãi suất). Tuy nhiên, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản của các ngân hàng cũng có dấu hiệu được cải thiện. Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 2,75% so với cuối tháng trước, riêng số dư tiền gửi VND tăng 3,17%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong tháng chỉ tăng 2,15% (tín dụng bằng VND ước tăng 2,35%). Đây là tháng đầu tiên, tốc độ tăng trưởng dư nợ thấp hơn huy động.
Về chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 7/8, tổng dư nợ đạt được 392.609,3 tỷ đồng. Trong tuần từ 1/8 đến 7/8, tổng số tiền cho vay là 3.502,77 tỷ đồng.