Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài

11:00, 03/08/2009

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, bảy tháng đầu năm, cả nước có 385 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 5,4 tỷ USD. Tuy chỉ bằng 11% so với cùng kỳ năm trước nhưng con số 5,4 tỷ USD vốn đăng ký mới cũng là con số khá cao trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay.

 

Không chỉ vậy, bảy tháng qua, có 125 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 4,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2008. Ðiều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào khả năng phục hồi và tiềm năng phát triển dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. Các dự án tăng vốn trở thành một nhân tố mới cải thiện cơ cấu thu hút FDI trong những tháng đầu năm nay và cho thấy cú lội ngược dòng khá bất ngờ của hoạt động FDI ở Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế kéo theo sự thu hẹp rõ rệt dòng vốn FDI trên phạm vi toàn cầu...

 

Mặc dù vốn FDI đăng ký giảm nhưng giải ngân vốn FDI nhìn chung vẫn đạt tiến độ đề ra. Bảy tháng qua, các dự án FDI đã giải ngân được 4,65 tỷ USD, bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2008. Nhưng nếu so với mục tiêu giải ngân 8 tỷ USD năm 2009, thì các dự án FDI đang triển khai phù hợp tiến độ dự kiến. Dù các nền kinh tế đối tác chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế dẫn tới nhu cầu hàng hóa của Việt Nam giảm nhưng khu vực FDI vẫn thể hiện tính năng động với kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) trong bảy tháng đầu năm ước đạt 15,9 tỷ USD, chiếm 49,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

 

 Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực nêu trên, hoạt động FDI cũng đang xuất hiện một số cảnh báo đáng lưu ý sau:

 

Thứ nhất, có sự sụt giảm mạnh mức thu hút FDI và những động lực tăng trưởng từ khu vực có vốn FDI ở Việt Nam. Trong bảy tháng đầu năm, mức thu hút FDI giảm 81,2% so với cùng kỳ năm 2008, đạt khoảng 10,1 tỷ USD, trong đó hơn 5,4 tỷ USD là vốn đăng ký của 385 dự án mới cấp phép (giảm 89% so với cùng kỳ năm 2008)... Như vậy, khả năng hoàn thành mục tiêu thu hút 20 tỷ USD vốn FDI trong năm 2009 không dễ dàng. Ðặc biệt, xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI đã sụt giảm rõ rệt trong những tháng đầu năm nay. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này (kể cả dầu thô) ước đạt 15,9 tỷ USD, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 12,7 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước.

 

Thứ hai, cơ cấu vốn FDI có sự điều chỉnh thiếu bền vững, phân bổ các dự án chưa đồng đều. Lượng vốn đăng ký đầu tư vào khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong những tháng đầu năm rất ít, trong khi lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống thu hút 4,56 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn đăng ký; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 2,13 tỷ USD; kinh doanh bất động sản là 1,85 tỷ USD... Sự mất cân đối cơ cấu FDI còn thể hiện đậm nét về địa bàn. Trong tổng số 10,1 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm, có tới 6,46 tỷ USD "đổ vào" Bà Rịa - Vũng Tàu; tiếp đó, lần lượt vẫn là những địa phương quen thuộc như TP Hồ Chí Minh (1,03 tỷ USD), Bình Dương (708 triệu USD), Hà Nội (322 triệu USD), Ðà Nẵng (162 triệu USD)... Hệ quả tất yếu sẽ là sự phát triển mất cân đối giữa các ngành, địa phương ngày càng gia tăng, cũng như tạo ra những cơn "sốt dự án" và "sốt đất đai" có tính đầu cơ cao, căng thẳng trong giải phóng mặt bằng, đào tạo lao động, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội...

 

Ðể cải thiện hoạt động FDI trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về đầu tư, kinh doanh, các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực và địa bàn trọng điểm, nhất là công nghiệp hỗ trợ, chế tạo và chế biến; thúc đẩy giải ngân thông qua công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Tạo đột phá trong phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống cảng biển, tăng cường và đi trước một bước trong đào tạo lao động ở các trình độ, đặc biệt là đào tạo lao động trình độ cao và đào tạo nghề cho người nông dân bị thu hồi đất sản xuất để bàn giao cho các dự án FDI. Ðồng thời, vừa đẩy mạnh phân cấp, vừa tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc cấp phép và quản lý các dự án FDI; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư có tổ chức và có tính chuyên nghiệp, hiệu quả cao, trong đó ưu tiên hướng đến các tập đoàn đa quốc gia nói chung, cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm; phát triển hệ thống thông tin chi tiết về danh mục đầu tư quốc gia và các văn bản chính sách có liên quan đến môi trường và cơ hội, đối tác đầu tư; phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành với các nhà đầu tư; theo sát, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai các dự án FDI...