Xã Bình Long (Võ Nhai) đã đưa cây đậu tương vào trồng trên diện rộng từ hàng chục năm trước, nhưng hiện nay, diện tích trồng đậu tương đang có nguy cơ bị thu hẹp do năng suất của giống đậu tương ở địa phương không cao, giá trị kinh tế thấp hơn cây ngô, cây lúa. Năm 2009, Viện Di truyền nông nghiệp đã đưa 2 giống đậu tương mới vào trồng ở Bình Long cho năng suất và giá trị kinh tế cao gấp hai lần giống đậu cũ.
Từ những năm 1980, cây đậu tương được trồng ở Bình Long đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và có giá trị trong luân canh, cải tạo đất. Cùng với đó, nghề làm đậu phụ ở xã Bình Long cũng phát triển theo. Cao điểm, xã có 80 ha trồng đậu tương mỗi năm và có tới trên 30 hộ làm đậu phụ cho thu nhập ổn định. Đậu phụ Bình Long thơm, ngon nổi tiếng trên toàn huyện Võ Nhai. Chính vì vậy, thị trường tiêu thụ không chỉ bó hẹp trong xã mà còn sang các xã lân cận. Thậm chí, cả thị trấn Đình Cả cách xa hơn 10km cũng là thị trường tiêu thụ đậu phụ của Bình Long. Những năm gần đây, tổng diện tích trồng đậu tương trên toàn xã giảm chỉ còn gần 60ha, với tổng sản lượng trên 100 tấn, là nguy cơ ảnh hưởng tới nghề làm đậu phụ của nhiều hộ dân trong xã.
Nguyên nhân làm diện tích, sản lượng đậu tương giảm được xác định là do năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cạnh tranh được với cây ngô, cây lúa. Bên cạnh đó, giá giống, phân bón, thuốc trừ sâu và cả công lao động cũng tăng cao nên mức đầu tư sản xuất đậu tương lớn mà lợi nhuận lại thấp. Ngoài ra, điều kiện thời tiết có những biến đổi bất thường cộng với sâu bệnh thường xuyên khiến diện tích trồng đậu tương bị thiệt hại nặng hơn các cây trồng khác. Từ những hạn chế trên, để thuận tiện cho canh tác, phần nhiều nông dân trong xã đã áp dụng tràn lan cơ cấu cây trồng độc canh hai vụ theo công thức ngô xuân hè với ngô hè thu trên đất nương rẫy hoặc ngô xuân hè với lúa mùa trên đất ruộng. Vì vậy, trên đồng đất Bình Long đã xuất hiện trở lại đất ruộng 1 vụ hoặc nương rẫy 1 vụ, làm suy thoái, xói mòn đất.
Vụ xuân năm 2009, Viện di truyền Nông nghiệp đã đầu tư thí điểm mô hình giống đậu tương chịu hạn DT2008 tại xã Bình Long cho kết quả rất cao so với giống đậu tương Cúc Nhật phổ biến ở địa phương. Năng suất thực tế của đậu tương DT2008 đạt tới 38,8 tạ/ha, trong khi đậu tương Cúc Nhật chỉ đạt 19 tạ/ha. Nhận thấy khả năng thích ứng cao của giống đậu tương này và được đông đảo bà con nông dân đón nhận, Viện Di truyền Nông nghiệp hỗ trợ nông dân Bình Long triển khai trồng 6ha trong vụ hè thu đồng thời hỗ trợ để thêm nhiều hộ nông dân khác trồng 12ha diện tích giống đậu tương năng suất cao DT2001. Những diện tích trên hầu hết là đất 1 vụ bị bỏ hóa hoặc được nông dân trồng ngô hè thu cho năng suất thấp.
Gia đình anh Lê Văn Đông ở xóm Vẽn tham gia trồng đậu tương DT2001 trên diện tích 4 sào trồng ngô trước đây. Kết quả trồng thử của anh Đông cho tỷ lệ đậu quả và năng suất rất cao. Anh Đông cho biết, mỗi sào đậu tương DT2001 cho năng suất trung bình 1,5 tạ và sau khi đã trừ các khoản đầu tư còn lãi trên 1 triệu đồng. Trong khi đó, nếu trồng ngô với cùng mức đầu tư, anh chỉ thu lãi 500 nghìn đồng. Tương tự gia đình anh Đông, gia đình ông Phan Trung Nghĩa, xóm Đại Long tham gia trồng 4 sào đậu tương DT2008. Để đối chứng, ông Nghĩa trồng đậu tương Cúc Nhật trên 6 sào đất còn lại của gia đình. Mặc dù gặp nắng kéo dài trong giai đoạn cây ra hoa rộ nhưng cây đậu tương DT2008 vẫn cho năng suất cao. Ông Nghĩa cho biết, với điều kiện trồng, chăm sóc như nhau, giống Cúc Nhật cho năng suất bình quân gần 0,7 tạ/sào trong khi giống DT2008 cho năng suất tới gần 1,4 tạ/sào. “Vụ xuân tới đây, tôi sẽ trồng đậu tương DT2008 trên toàn bộ diện tích hơn 1 mẫu của gia đình” - ông Nghĩa nói.
Cùng với hai hộ gia đình trên, hàng chục hộ gia đình khác của các xóm: Đồng Tiến, Đại Long, Bậu và xóm Vẽn cũng tham gia trồng các giống đậu tương mới. Các hộ dân đều được Viện Di truyền Nông nghiệp hỗ trợ 100% giống, phân bón và được hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc phù hợp với điều kiện của địa phương. Kết quả tổng hợp của UBND xã Bình Long cho thấy, cả hai giống đậu tương DT2008 và DT2001 đều cho năng suất trung bình gần 40 tạ/ha và có giá trị kinh tế cao hơn 2 lần so với với giống đậu tương Cúc Nhật phổ biến ở địa phương và cao hơn 10 lần so với cây ngô. Đặc biệt, sản phẩm đậu phụ làm từ hai giống đậu tương trên đã được một số hộ thử nghiệm cho sản phẩm thơm ngon không hề thua kém đậu tương Cúc Nhật.
Đánh giá về vai trò của cây đậu tương với địa phương, ông Nông Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho rằng, cây đậu tương không những là cây hàng hóa có thị trường đầu ra rộng rãi, có giá trị kinh tế cao mà còn có giá trị luân canh, cải tạo đất tốt. Chính vì vậy, hai giống đậu tương mới đặc biệt có ý nghĩa với nông dân xã Bình Long. Ông Mạnh nhận định: “Với năng suất cao, hai giống đậu tương DT2001 và DT2008 rất phù hợp với chủ trương tăng sản lượng các cây trồng của xã và giúp người dân luân canh tăng vụ, tăng giá thị thu nhập từ đất nông nghiệp. Tôi hi vọng đây sẽ là cây làm tăng mạnh năng suất cây trồng của địa phương khi được nhân rộng triển khai. Xã sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích trồng”.
PGS, TS Mai Quang Vinh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu hai giống đậu tương trên cho biết: Để luân canh, tăng vụ khoa học với cây lúa và cây ngô thì công thức phù hợp với xã Bình Long và các xã vùng cao khác là trồng đậu tương DT2008 với lúa mùa trên đất 1 vụ và trồng ngô xuân hè với đậu tương DT2001, DT2008 trong vụ hè thu trên đất nương bãi. Nếu được đưa vào trồng trên diện rộng, thì hai giống đậu tương trên có thể đưa năng suất đậu tương của cả tỉnh Thái Nguyên từ 14 tạ/ha (năm 2008) lên trên 20 tạ/ha mỗi năm, cạnh tranh trực tiếp với đậu tương nhập khẩu và có vị trí vững chắc trong hệ thống cây trồng…"