3 năm trở lại đây, ở Phú Lương đã xuất hiện các mô hình chăn nuôi động vật "đặc sản" như: Nhím, ba ba, rắn, lợn địa phương (lợn lai giữa lợn thường và lợn rừng), … bước đầu cho hiệu quả kinh tế, mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi nhím của gia đình anh Cao Văn Hậu, Tiểu khu Thái An, thị trấn Đu đúng vào lúc anh Hậu đang cho nhím ăn. Anh Hậu cho biết: Thức ăn của nhím là các loại rau, củ, quả, một số loại hạt, trong đó món khoái khẩu của chúng là: Lạc, bí đỏ, củ đậu… Trong một lần tham quan một số mô hình chăn nuôi ở Sơn La, thấy nhím là con vật dễ nuôi, dễ bán, chi phí thức ăn lại thấp và ít người nuôi, nên tôi rất thích. Năm 2006, tôi vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT để đầu tư nuôi nhím. Từ số tiền này, tôi đã xây dựng hệ thống chuồng trại gồm 20 ngăn, số tiền còn lại tôi bắt 3 cặp nhím giống. Sau 15 tháng, nhím sinh nở lứa đầu tiên được 3 cặp nhím con, tôi bán 1 cặp được 9 triệu đồng, còn lại tôi giữ lại để nuôi. Sau mỗi lứa nhím đẻ, tôi lại giữ lại vài cặp, cứ như vậy, đến nay tổng đàn nhím của gia đình đã lên đến trên 40 con. Tôi dự kiến, sắp tới sẽ mua thêm đất để mở rộng hệ thống chuồng trại, nâng quy mô lên khoảng 100 con.
Cũng thuộc tiểu khu Thái An, anh Bạch Đình Thoại lại chọn mô hình nuôi rắn. Từ nhỏ, anh Thoại đã thích tìm hiểu về loài rắn, năm 2003, thấy một người bạn đầu tư nuôi rắn cho thu nhập khá, anh liền mua trên 30 con rắn hổ mang về nuôi. Từ những am hiểu về loài rắn này, cộng với tìm hiểu qua sách, báo, áp dụng vào thực tế chăn nuôi, đàn rắn của anh sinh sản và phát triển tốt. Hôm chúng tôi đến thăm mô hình nuôi rắn của anh, đúng vào ngày gia đình đang xuất bán 400kg rắn thịt, với giá khoảng 500 nghìn đồng/kg, gia đình anh đã thu về 200 triệu đồng. Anh Thoại cho biết: Mỗi năm, tôi xuất được 2 lứa như thế này, cộng với 200-300 con rắn con, trị giá khoảng trên 100 triệu đồng.
Ngoài nhím, rắn, mô hình nuôi lợn địa phương hiện nay cũng được nhiều người dân ở Phú Lương lựa chọn. Giống lợn này có chất lượng thịt ngon, tỷ lệ nạc cao, do vậy giá bán cao gấp 2-3 lần so với lợn thường. Trong khi đó, đầu tư thức ăn chăn nuôi giống lợn này lại thấp, sức chịu nóng, chịu rét tốt và đặc biệt ít dịch bệnh. Chính vì những lý do trên, nên anh Nguyễn Văn Đông, xóm Đồng Đình, xã Yên Ninh đã thay thế dần giống lợn thường bằng giống lợn địa phương. Anh Đông cho biết: Trước đây, tôi đầu tư mô hình chăn nuôi lợn thường với quy mô trên 30 con. Thấy một số hộ quanh vùng nuôi giống lợn địa phương, tôi cũng bắt vài con về nuôi thử. Trong quá trình chăn nuôi song song 2 giống lợn, tôi nhận thấy, giống lợn địa phương ăn tạp, chỉ cần cho ăn thân cây chuối và cám thường là đủ, trong khi lợn thường phải đầu tư cám tăng trọng và cho ăn nhiều tinh bột nên tốn kém hơn gấp 2 lần. Giá bán 1 kg lợn thường lại chỉ đạt 23 nghìn đồng/kg, trong khi lợn địa phương có giá 70 nghìn đồng/kg. Vì nuôi lợn giống địa phương cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nên tôi đã thay thế dần giống lợn thường bằng lợn địa phương. Gia đình tôi có gần 20 con lợn địa phương và 16 con lợn thường.
Hiện nay, toàn huyện có khoảng 20 trang trại, mô hình chăn nuôi "đặc sản" đều cho hiệu quả kinh tế cao. Theo đồng chí Phan Văn Tường, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện: Những con vật này vốn đã gần gũi với người dân và điều kiện khí hậu, địa hình nơi đây, nên rất thuận lợi cho việc đưa vào chăn nuôi, thêm vào đó chúng có điểm chung là đầu tư thức ăn ít, kỹ thuật đơn giản và giá bán cao. Nhận thức được điều này, nên năm 2008, huyện đã tổ chức đoàn đi tham quan các mô hình chăn nuôi các loại động vật đặc sản ở Hoà Bình và Hà Tây. Qua đó, đã học được các kỹ thuật nuôi, cách triển khai các mô hình, có 5 hộ tham gia học tập kinh nghiệm thì đến nay cả 5 hộ đã và đang xây dựng mô hình.
Để khuyến khích người dân, năm 2009, huyện cũng đã hỗ trợ 2 mô hình, mỗi mô hình 10 triệu đồng để các hộ có điều kiện mở rộng quy mô. Với hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, hy vọng việc ngành chăn nuôi các loại động vật "đặc sản" được nhiều người dân quan tâm tìm hiểu và làm theo, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.