Thương binh tàn nhưng không phế

10:52, 10/11/2009

Nhìn cơ ngơi bề thế hôm nay, cùng với hai văn phòng đại diện một đặt tại Tích Lương (T.P Thái Nguyên), một đặt tại huyện Sóc Sơn (T.P Hà Nội) ít người biết rằng đó là của thương binh nặng 1/4 Nguyễn Đức Điểm. Từ chiếc máy khâu may gia công không đủ nuôi 6 người con ăn học, hôm nay ông đã trở thành doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành kinh doanh vận tải của tỉnh.

 

Sinh ra trong gia đình có tới 11 người con, năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ diễn ra hết sức khốc liệt, chàng thanh niên Nguyễn Đức Điểm vừa tròn 20 tuổi noi gương người anh trai cũng xung phong lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế vào Sư đoàn 304 ở mặt trận đường 9 Khe Xanh. Các trận chiến của đơn vị anh đều dũng cảm đi ở tuyến đầu.

 

Trong đợt hành quân tại mặt trận này vào thời điểm tháng 5/1971, anh đã trúng đạn pháo và mất hẳn cánh tay phải. Anh đã được đồng đội đưa về điều trị tại Đoàn 231 an dưỡng. Ít lâu sau, anh nhận được tin người anh cả đã anh dũng hy sinh. Khi vết thương còn chưa lành, anh trình bày nguyện vọng với cấp trên xin tiếp tục ra chiến trường. Căn cứ vào điều kiện sức khoẻ, đơn vị yêu cầu anh ở lại tiếp tục điều trị. Anh được điều về an dưỡng tại Trại Thương binh của tỉnh. Năm 1972, anh xây dựng gia đình, nhưng vì vết thương quá nặng nên anh vẫn tiếp tục ở lại Trại thương binh điều trị. Đến tận năm 1979, anh mới rời khỏi Trại Thương binh về để vợ con chăm sóc. Cuộc sống gia đình anh lúc này hết sức khó khăn. Với một chiếc máy may cũ kỹ, vợ chồng anh đã mở cửa hàng nhận may đo cho nhân dân quanh vùng. Cuộc sống cũng tạm ổn định. Cùng với làm may, gia đình anh còn tăng gia nuôi lợn, rồi mở dịch vụ bán hàng.

 

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục đi mua các xe máy cũ để bán. Tiết kiệm trong nhiều năm, năm 1995 anh vận động một số anh em chơi cùng đóng góp tiền mua xe ô tô thành lập Hợp tác xã (HTX) Vận tải ô tô Tân Phú. Lúc này, HTX mới chỉ có 03 đầu ô tô chuyên làm dịch vụ vận chuyển sắt, thép. Sau 15 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải, giờ HTX đã có 32 đầu xe vận tải, cẩu nâng hạ chuyên làm dịch vụ vận tải và lắp đặt máy móc, công trình với trị giá tài sản gần 16 tỷ đồng. Không chỉ kinh doanh ở thị trường trong tỉnh, năm 2005, anh quyết định mở chi nhánh tại huyện Sóc Sơn HTX của cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đức Điểm đã tạo việc làm cho 110 công nhân, lao động (chủ yếu là bộ đội xuất ngũ, con cựu chiến binh) với mức thu nhập bình quân trên 2 triệu đồng/người/tháng và được tham gia đầy đủ các loại hình bảo hiểm.

 

Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Nguyễn Đức Điểm cho biết: "Những gì mà tôi đã nỗ lực để đạt được như ngày hôm nay đều do thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”". Từ suy nghĩ đó đã biến thành nghị lực để anh Điểm vươn lên trong cuộc sống và thành đạt như ngày hôm nay. HTX do anh làm Chủ nhiệm còn là một trong các đơn vị luôn chấp hành tốt về nghĩa vụ nộp ngân sách, cũng như tham gia ủng hộ các loại quỹ vì cộng đồng. Sau 15 năm hoạt động, HTX đã nhận được nhiều Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh, UBND tỉnh và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tấm gương cựu chiến binh vượt khó, làm giàu cho gia đình, xã hội như thương binh 1/4 Nguyễn Đức Điểm thật đáng trân trọng.