Hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Vô Tranh

08:46, 29/01/2010

Những năm gần đây, nhờ áp dụng các biện pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xã Vô Tranh (Phú Lương) đã có nhiều chuyển biến. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 26% (523 hộ) năm 2005, xuống còn 18,6% (402 hộ) hiện nay. Sản xuất nông nghiệp đã từng bước chuyển sang sản xuất hàng hoá. Xã đã có 4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận.

 

Đồng chí Lục Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để vận động nhân dân  thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ đạo sản xuất là các thành viên trong cấp uỷ, mỗi đồng chí phụ trách một địa bàn trực tiếp chỉ đạo nhân dân; đồng thời, trước mỗi mùa vụ cử 2 kỹ sư nông nghiệp, hàng ngày phối hợp với các xóm để hướng dẫn bà con đưa giống cây trồng, vật nuôi mới vào sản xuất; phối hợp với phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân ngay tại đồng ruộng. Ngoài ra, xã cũng quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp: Từ năm 2004 đến nay, xã đã vận động bà con huy động nội lực kiên cố hoá 15 km kênh mương, đồng thời thường xuyên tiến hành nạo vét, sửa chữa các tuyến mương chính để đảm bảo nước phục vụ sản xuất.

 

Xác định chè là cây trồng chủ lực, vài năm trở lại đây, việc đưa giống chè mới vào sản xuất như: chè Phúc Vân Tiên, LDP1, TRI 777…do hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, bước đầu đã khẳng định ưu thế trên đất Vô Tranh. Nếu như năm 2005, diện tích chè kinh doanh của xã là 475 ha, năng suất mới chỉ đạt 83 tạ/ha và bắt đầu tiến hành trồng chè giống mới được 21 ha; thì đến nay, diện tích chè kinh doanh của xã đã tăng lên 561 ha, năng suất bình quân đạt 94 tạ/ha, cao hơn những năm trước 11 tạ/ha, sản lượng đạt trên 5.000 tấn/năm, tăng hơn 1.000 tấn so với năm 2005.

 

Có thể khẳng định, tư duy sản xuất của bà con Vô Tranh đã có nhiều thay đổi. Ngoài việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng cho năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, bà con còn dần hướng tới tính chuyên nghiệp trong sản xuất hàng hoá. Trước đây, các hộ dân trong xã vẫn thường trồng, chăm sóc và chế biến chè một cách riêng lẻ, mạnh ai nấy làm, thì đến nay họ đã biết tập hợp nhau lại, cùng sản xuất, chế biến chè theo mô hình chè an toàn an toàn để bảo vệ sức khoẻ của bản thân và người tiêu dùng, đồng thời tạo dựng thương hiệu. Sau một quá trình nỗ lực cố gắng, đến nay Vô Tranh đã có  4 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, đó là các làng nghề Sản xuất, chế biến chè an toàn ở các xóm: Tân Bình, Bình Long, Toàn Thắng và làng nghề trồng, chế biến chè, long vải - nhãn ở xóm Liên Hồng 8.

 

Cùng với cây chè, lúa cũng được xem là cây trồng mũi nhọn, góp phần đảm bảo cung cấp lương thực cho nhân dân trong xã. Trước năm 2005, diện tích lúa của bà con chủ yếu là giống lúa Khang dân thuần chủng năng suất thấp, bình quân chỉ đạt 46 tạ/ha. Đến nay, diện tích lúa lai, lúa cao sản của xã đã đạt 220 ha, năng suất 56 tạ/ha, tăng 10tạ/ha so với trước đây. Ngoài việc đưa những giống lúa lai, lúa cao sản vào gieo cấy, bà con nông dân còn biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ khâu làm đất, gieo cấy đến khâu thu hoạch đều sử dụng bằng máy móc, giảm chi phí về ngày công lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực toàn xã tăng từ 2.953 tấn năm 2005 lên 3.135 tấn năm 2009.

 

Với những biện pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả, đời sống người dân Vô Tranh đã có những cải thiện đáng kể. Đây là cơ sở vững chắc cho những b­íc chuyển biến mạnh mẽ hơn của xã trong thời gian tới.