Không tăng giá bất hợp pháp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

08:04, 21/01/2010

Tiến hành rà soát, kiểm tra chặt chẽ các doanh nghiệp được phân công tham gia dự trữ hàng hóa phục vụ Tết về tiến độ thực hiện, số lượng, chất lượng hàng hóa. Đảm bảo đủ hàng, giá cả hợp lý, góp phần bình ổn thị trường trong dịp cuối năm này.

 

Đảm bảo cung cấp hàng có chất lượng, giá cả hợp lý trong dịp cuối năm

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa ra chỉ thị yêu cầu ngành Công Thương tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Dần 2010.

 

Một điểm mà Bộ trưởng lưu ý với Sở Công Thương các tỉnh là cần nắm rõ tình hình giá cả, diễn biến cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn, đặc biệt là các địa bàn  trọng điểm, kịp thời có biện pháp điều chuyển hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, xa. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng.

 

Nghiêm cấm việc nâng giá nhằm trục lợi

 

Bên cạnh việc cung đủ hàng, Sở Công Thương yêu cầu các hộ kinh doanh trên địa bàn mình quản lý cam kết niêm yết giá và bán đúng giá đã niêm yết, không tăng giá nếu không có lý do xác đáng. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh thị trường và tâm lý người tiêu dùng.

 

Lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra các đối tượng kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là các siêu thị, trung tâm thương mại, quấy bán lẻ phải  tuân thủ các quy định về giá, đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân như gạo, thực phẩm, sữa, xăng, dầu... Kiên quyết ngăn chặn việc lợi dụng để nâng giá nhằm mục đích trục lợi các mặt hàng nói trên.

 

Ngăn chặn hàng lậu lưu thông trên thị trường

 

Hiện nay, rất nhiều mặt hàng tiêu dùng bị làm giả, lám nhái hoặc kém chất lượng đang hoành hành trên thị trường. Để bảo vệ người tiêu dùng, Lực lượng Quản lý thị trường phải phối hợp với ngành liên quan chống tình trạng buôn bán hàng lậu, hàng giả hoặc gian lận trong đo lường, chất lượng.

 

Cần thường xuyên kiểm tra các cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm. Vì qua kiểm tra thực tế, rất nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm nghiêm trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Những cụm từ "mỡ thối", gia cầm đông lạnh quá hạn... đã dần trở lên quen thuộc trên các mặt báo, vấn nạn này không những làm mất uy tín của các nhà sản xuất mà đặc biệt gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

 

Những ngày cuối năm này, có rất nhiều hội chợ, đợt bán hàng được tổ chức như tuần hàng Việt Nam, tháng hàng Việt Nam, phiên chợ lưu động...Vì vậy, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo ngành cần chú ý kiểm tra nguồn hàng đầu vào nhằm ngăn chặn tình trạng tranh thủ tiêu thụ hàng kém chất lượng.

 

Giá cả cuối năm không nhiều biến động

 

Đây đã là những ngày cuối cận kề Tết Nguyên đán Canh Dần nhưng do có nhiều nỗ lực bình ổn giá từ Chính phủ nên hiện tại giá cả tiêu dùng không có quá nhiều đột biến. Trên thị trường tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, giá thực phẩm có tăng, nhưng dừng ở mức từ 2000 - 5000 đồng so với những tháng trước đây. Về cơ bản, giá gạo vẫn ổn định vì năm 2009 sản xuất được mùa, lúa và một số hàng nông sản, thực phẩm bán được giá và bình ổn theo hướng có lợi cho nhân dân.

 

Trên cả nước, giá điện máy đang có xu hướng giảm, thậm chí cuối năm còn là dịp người dân mua được đồ điện tử giá rẻ hoặc kèm theo khuyến mại. Năm nay, sức mua trung bình trên cả nước cũng đã tăng.

 

Sức mua tăng là do nỗ lực của ngành thương mại trong đợt quảng bá đưa hàng nội về nông thôn, vận động mọi người dùng hàng Việt. Có 3 nhóm hàng tăng mạnh là quần áo dệt kim may sẵn, đồ dùng gia đình, trang bị nhà bếp, phương tiện nghe nhìn.

 

Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, sức mua ở thị trường nông thôn còn tiếp tục tăng. Đơn cử như tại Kiên Giang, ngành thương mại đã chuẩn bị lượng hàng hóa trị giá hơn 500 tỷ đồng (tăng hơn năm trước gần 200 tỷ đồng), mở thêm đại lý bán hàng đa cấp kể cả đại lý bán lẻ ở khu vực nông thôn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con nông dân, không để xảy ra tình trạng đột biến về giá, gây bất lợi cho người tiêu dùng.