Tăng trưởng kinh tế năm 2010: Đảm bảo mức 11% trở lên

08:34, 22/01/2010

Năm 2009 là một năm thật sự khó khăn với cả nền kinh tế trong nước và thế giới. Với Thái Nguyên, mức độ ảnh hưởng là tương đối lớn, mặc dù đã xây dựng kế hoạch đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%, nhưng đến giữa năm Thái Nguyên đã phải điều chỉnh lại kế hoạch xuống còn 9%. Vây, năm 2010, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 11% trở lên, liệu Thái Nguyên có thể hoàn thành?  

 

Năm 2009, chúng ta gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp: Quý 1, sản xuất bị giảm sút do dư âm suy thoái kinh tế từ cuối năm 2008; quý 2 và 3 sản xuất dần phục hồi nhưng vẫn trong tình cảnh khó khăn; sang quý 4 tình hình có chiều hướng xấu đi bởi thị trường thép biến động đột ngột, mức độ sản xuất và tiêu thụ giảm mạnh. Do vậy, tính chung cả năm, sản xuất công nghiệp tăng không đáng kể so với năm 2008. Sản xuất công nghiệp chịu tác động xấu đã kéo các lĩnh vực xây dựng, thương mại và dịch vụ thụt lùi theo. Điều đáng chú ý là giá trị xây dựng, dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ kinh tế đạt thấp hơn nhiều so với dự kiến và tăng không đáng kể so với năm 2008. Năm qua, giá trị xuất khẩu cũng đạt rất thấp và giảm tới 41,6% so với năm trước.

 

Năm 2010, mục tiêu chúng ta đề ra là đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11% đến 12%, trong đó công nghiệp-xây dựng đạt tăng trưởng 14%, dịch vụ 12,5%, nông, lâm nghiệp-thủy sản đạt 4,5%. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN tăng 22% trở lên; kim ngạch xuất khẩu tăng 15% trở lên… Theo nhận định của các nhà kinh tế thì với mục tiêu này chúng ta có thể đạt và vượt nhưng phải thực sự nỗ lực. Mặc dù khả năng chúng ta vẫn chịu tác động lớn từ những khó khăn chung của nền kinh tế cả nước song theo phân tích chúng ta có những điểm khá thuận lợi. Thứ nhất, các ngành công nghiệp mũi nhọn trên địa bàn tỉnh như: sản xuất gang thép, xi măng, than sạch, giấy đế, may mặc…đang trong giai đoạn bình ổn và tăng trưởng. Giá cả các mặt hàng công nghiệp, nhất là thép xây dựng đang và sẽ ở mức khá so với hai năm trước, đầu ra cũng ổn định hơn. Thứ hai, một số dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm, có tầm ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh sau khi xây mới, cải tạo, nâng cấp đến thời điểm này đã bắt đầu đưa vào vận hành, khai thác và cho ra sản phẩm. Đó là Nhà máy xi măng Quang Sơn, Nhà máy xi măng La Hiên, Nhà máy cán thép Thái Nguyên, Nhà máy luyện thép Lưu Xá…

 

Chính điều này sẽ nhanh chóng tạo ra giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp nói chung. Dự tính, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm nay sẽ tăng 23,1% so với năm 2009 (tương đương gần 2.300 tỷ đồng), trong đó năng lực mới tăng thêm đóng góp khoảng gần 1.500 tỷ đồng. Tiếp đó, lĩnh vực dịch vụ sau khi trầm lắng cũng sẽ phát triển mạnh lên, nhất là các dịch vụ cung cấp máy móc thiết bị phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ vận tải hàng hóa và dịch vụ du lịch.

 

Cuối cùng, lĩnh vực nông nghiệp cũng là một trong những lợi thế tác động không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2010. Mặc dù chỉ đặt mục tiêu nâng giá trị tăng thêm của ngành này ở mức 4,5%, nhưng năm nay dự báo có thể sẽ vượt qua con số đó, bởi hiện tại một số chương trình, dự án triển khai trước đó đã bắt đầu đến giai đoạn cho hiệu quả. Đó là các chương trình phát triển lúa lai, ngô lai, đậu tương năng suất cao; các vùng sản xuất cây đặc sản như: rau sạch, hoa, nấm, đặc biệt là cây chè. Hơn thế nữa, các nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết TW 7 (khóa X) đã và đang được triển khai hiệu quả trên toàn địa bàn.

 

Các nhà kinh tế vẫn thường nói, tăng trưởng xuất phát từ sản xuất, sản xuất xuất phát từ đầu tư. Bởi vậy, theo tính toán để đạt được mức tăng trưởng 11% trở lên, nhu cầu vốn đầu tư năm 2010 vào tỉnh phải đạt trên 8 nghìn tỷ đồng, tăng 33,7% so với năm trước. Theo ông Lê Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì con số này trên thực tế hoàn toàn có thể huy động được. Bởi ngay như năm 2009, mặc dù khó khăn vậy nhưng toàn tỉnh cũng đã huy động được khoảng 6/6,4 nghìn tỷ đồng kế hoạch đề ra.

 

Năm 2010, chúng ta có 8 nguồn vốn có thể huy động để đầu tư sản xuất đó là: Vốn ngân sách Nhà nước trên 768 tỷ đồng; vốn trái phiếu Chính phủ 600 tỷ đồng; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước 1.500 tỷ đồng; vốn đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước và vốn đầu tư của dân cư; doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 2.200 tỷ đồng; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 900 tỷ đồng; vốn huy động từ xổ số kiến thiết khoảng 7 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển trên địa bàn do bộ, ngành TW quản lý là 2 nghìn tỷ đồng.

 

Như vậy, xét về nhiều yếu tố chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào khả năng đạt và vượt kế hoạch đề ra về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh năm 2010.