Ở xã Phú Thượng (Võ Nhai), ngoài các cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế gia đình từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ còn xuất hiện gương ông Nguyễn Văn Long, xóm Suối Cạn làm kinh tế giỏi từ mô hình sản xuất tăm hương.
Nghề này đã và đang mang lại hiệu quả không chỉ cho gia đình ông mà còn góp phần giải quyết việc làm cho gần 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập trung bình từ 40-50 nghìn đồng/người/ngày công…
Ông Nguyễn Văn Long sinh năm 1966, quê gốc ở Cầu Bầu, Ứng Hòa (Hà Tây). Cầu Bầu là vùng làm tăm hương nổi tiếng từ lâu đời. Không theo nghiệp cha ông, từ nhỏ ông Long đã lên sinh sống và định cư ở Võ Nhai. Năm 1993, ông bắt đầu sản xuất tăm hương tại gia đình nhưng do chưa có kinh nghiệm nên đã thất bại, lỗ hàng chục triệu đồng. Vì vậy, ông đã chuyển sang làm thợ xây. Công việc thợ xây vất vả, sức khỏe của ông lại hạn chế, hơn nữa thu nhập từ nghề này không ổn định nên sau một thời gian ông quyết định về quê học hỏi kinh nghiệm nghề sản xuất tăm hương để về làm tại nhà.
Năm 2007, sau 3 năm học nghề, ông mua máy móc thiết bị, đầu tư xây bể ngâm tre tại gia đình. Trên địa bàn, chưa có ai kinh doanh mặt hàng này, tre nứa vốn rất sẵn, thị trường tiêu thụ lại luôn rộng mở nên nghề của ông đã phát triển nhanh. Ông Long giải thích cặn kẽ cho chúng tôi hiểu công việc sản xuất tăm hương. Hàng ngày ông mua tre, nứa của các hộ dân trong xã về chẻ nhỏ với các kích cỡ khác nhau gọi là phôi tăm (hay tăm hương), rồi bó lại từng bó cung cấp cho các cơ sở sản xuất hương đốt. Một ngày trung bình ông chẻ được 5 bó, thu lãi 50 nghìn đồng. Cứ 1-2 tháng/lần ông thuê xe tải chở hàng giao cho các đại lý làm hương trên địa bàn tỉnh. Sản xuất tăm hương mang tính thủ công nên đòi hỏi người làm sự cẩn thận, tỉ mỉ, tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật như độ dày, kích thước đúng tiêu chuẩn. Do ý thức được điều đó nên sản phẩm của ông luôn đảm bảo chất lượng và nhanh chóng thu phục được thị trường, kể cả các đại lý “khó tính” nhất. Hiện có 12 đại lý lớn nhỏ trong và ngoài địa bàn tỉnh thường xuyên đặt mua hàng của gia đình ông. Với mỗi bó tăm hương, ông thu lãi 4 nghìn đồng. Theo tính toán của ông, một năm gia đình ông thu lãi trên 40 triệu đồng từ mô hình này.
Thấy nghề làm tăm hương của gia đình ông mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều hộ dân trong xóm và xóm lân cận đã tò mò đến xem và học hỏi kinh nghiệm, mong muốn được ông “truyền nghề”. Ông Long đã vui vẻ nhận lời và hướng dẫn cho các hộ dân có nhu cầu. Khi họ đã học được nghề, làm tốt, ông nhận họ vào làm. Ban đầu, cơ sở sản xuất chỉ có mình ông là lao động chính, dần dần ông mở rộng quy mô, nhận thêm 5 người làm. Đến nay có gần 20 lao động được ông tạo cơ hội làm việc này. Với đặc thù công việc chỉ đòi hỏi sự chăm chỉ, khéo tay chứ không phải mất nhiều công sức nên đối tượng lao động cho gia đình ông đa số là phụ nữ. Ngoài thời gian trồng trọt và chăn nuôi, họ tranh thủ làm thêm, góp phần nâng cao thu nhập. Sau khi làm xong, họ mang đến nhà ông Long bán. Ông Long trực tiếp kiểm tra chất lượng sản phẩm và chọn lựa kỹ càng để mua, nhập vào kho chở đi giao cho các đại lý. Trung bình, một bó tăm hương ông trả cho người lao động với giá 10 nghìn đồng. Một người, một ngày trung bình có thể chẻ được trên dưới 5 bó, thu được từ 30-50 nghìn đồng.
Chia tay chúng tôi, ông chia sẻ: Tôi mong muốn đồng bào dân tộc chúng tôi sẽ được Nhà nước tạo điều kiện quan tâm hơn nữa để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, ông dự định sẽ mở xưởng sản xuất tăm hương với quy mô lớn hơn, giải quyết việc làm thêm cho 5-10 lao động của địa phương…