Nhộn nhịp sản xuất công nghiệp đầu năm

07:53, 04/02/2010

Kết thúc tháng đầu tiên của năm mới 2010, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt 933,1 tỷ đồng, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước, bằng 7,6% kế hoạch năm. Theo nhận định của các chuyên gia thì đây là kết quả khả quan, bước khởi đầu suôn sẻ cho một năm hứa hẹn nhiều khởi sắc của cả ngành công nghiệp.

 

Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên là một trong những đơn vị sản xuất công nghiệp lớn nhất và có những đóng góp quan trọng trong phát triển cả công nghiệp của tỉnh. Năm nay, kế hoạch đặt ra của Công ty là phấn đấu đạt sản lượng 560 nghìn tấn thép, lợi nhuận thu về khoảng 150 tỷ đồng. Đây là một trong những chỉ tiêu khá cao đòi hỏi lực lượng cán bộ, CNVC Công ty phải thực sự nỗ lực cố gắng ngay từ đầu năm mới có thể đạt và vượt. Ông Trần Văn Khâm, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Năm 2009 vừa qua, mặc dù đạt doanh thu cao hơn năm trước nhưng thu nhập của người lao động trong toàn Công ty lại bị sụt giảm. Bởi vậy, năm 2010 này chúng tôi phấn đấu sẽ cải thiện đời sống người lao động bằng việc đẩy mạnh sản xuất ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm. Cũng theo ông Khâm thì trong tháng một vừa qua, các nhà máy trực thuộc Công ty đều vận hành với công suất cao nhất để có ngay sản phẩm phục vụ thị trường. Nhiều biện pháp sản xuất tại Công ty đã và đang được triển khai đồng bộ từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh sản xuất, tiết kiệm trong vận hành máy móc, thiết bị đến các khâu về điều hành sản xuất, kiểm soát nội bộ và chỉ tiêu kỹ thuật. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Nhà máy cán thép Lưu Xá, ông Phạm Văn Dám thông tin: Tháng một vừa qua, đơn vị đã sản xuất được 21.500 tấn thép cán, đạt 100% kế hoạch đề ra, hiện đã tiêu thụ được 19.300 tấn. So với năm trước, năm nay khởi đầu thuận lợi hơn. Chúng tôi đang phấn đấu về trước kế hoạch và vượt chỉ tiêu sản xuất 230 nghìn tấn được giao của năm nay.

 

Cùng với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác như: sản xuất xi măng, gạch xây dựng, thức ăn chăn nuôi, giấy đế… cũng đạt giá trị sản lượng cao ngay từ tháng đầu năm với mức tăng trưởng vượt từ 10% đến trên 100% so với cùng kỳ năm trước. Có thể kể đến là Nhà máy xi măng La Hiên, Nhà máy xi măng Quang Sơn, Công ty cổ phần xi măng Cao Ngạn; Công ty cổ phần vật liệu chịu lửa, Công ty cổ phần giấy Hoàng Văn Thụ…

 

Để có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng ngay từ tháng đầu tiên của năm 2010 không thể phủ nhận sự đóng góp tích cực của các ngành công nghiệp. Trong đó phải kể đến công nghiệp Trung ương với giá trị đạt trên 521 tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 52,2 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ. Ngoài ra, cũng không thể không ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của một số sản phẩm công nghiệp mũi nhọn của tỉnh. So với cùng kỳ năm 2009, giá trị sản xuất của các mặt hàng này tăng khá cao, cụ thể: bia các loại tăng 57,9%, giấy bìa tăng 185,1%, than sạch tăng 38,9%, thép cán tăng 14,1%, xi măng tăng 71,9%, gạch xây dựng tăng 23,3%, thức ăn chăn nuôi tăng trên 125%...

 

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, với sự bắt nhịp nhanh chóng của các thành phần kinh tế ngay từ đầu sẽ báo hiệu một năm “dễ thở” hơn. Một điểm đặc biệt đáng chú ý nữa là tình hình xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp thế mạnh của tỉnh trong tháng một đã rất khả quan. Nếu năm trước, xuất khẩu xuống dốc thì năm nay lĩnh vực này có sự khởi đầu khá suôn sẻ. So với cùng kỳ năm trước, sản phẩm gang xuất khẩu tăng 245%, giấy đế tăng 99%, chè các loại tăng 92,3%, dụng cụ y tế tăng 87,7%, dụng cụ thú y tăng 155,4%.

 

Hiện nay, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chủ động tìm kiếm đầu ra, ổn định nguyên liệu đầu vào, tập trung nhân lực nâng cao công suất dây chuyền sản xuất nhằm hoàn thành kế hoạch tháng 2 và cả năm 2010. Theo kế hoạch, năm nay tỉnh ta phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 12.200 tỷ đồng, tăng 22,6% so với năm 2009; kim ngạch xuất khẩu đạt 91 triệu USD, tăng 30%. Được biết, để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh phong trào thi đua trong sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn, thực hành tiết kiệm; hoàn thành các công trình, dự án quan trọng theo kế hoạch; thực hiện huy động nguồn vốn đảm bảo đủ năng lực phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh…