Trồng và Chế biến chè ở Phúc Thuận

09:59, 22/02/2010

Xã Phúc Thuận - huyện Phổ Yên nổi tiếng với sản phẩm từ cây chè (chè Vạn Tài), chè là cây trồng chủ lực của người dân nơi đây.

 

 Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển cây chè theo hướng hàng hoá lớn và xuất khẩu, năm 2009, Phòng Công thương huyện đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục trình Sở Công - Thương tỉnh đề nghị công nhận làng nghề truyền thống trồng và chế biến chè tại 5 xóm Quân Cay, Phúc Tài, Đức Phú, Tân Ấp I và xóm Bãi Hu xã Phúc Thuận.

 

Theo thống kê xã Phúc Thuận hiện có trên 500 ha chè, trong đó có khoảng 400 ha chè kinh doanh. Diện tích chè cành được đưa vào trong vòng 4-5 năm trở lại đây chiếm khoảng 40%. Trong đó các giống chè mới chủ yếu như LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, TRI777...

 

Anh Phạm Đình Thanh, Trưởng xóm Phúc Tài cho biết: Xóm có 218 hộ dân, trong đó trên 80% số dân sinh sống chủ yếu bằng nghề sản xuất chế biến chè. Hiện nay xóm có 20 ha chè kinh doanh, trong đó diện tích chè cành chiếm 1/3. Bà con nhân dân trong xóm đã có thu nhập ổn định từ cây chè. Ông Trần Văn Tường - Trưởng xóm Đức Phú trao đổi: Xóm Đức Phú có 98 hộ dân thì có tới 73 hộ chuyên làm chè. Không chỉ mong muốn sớm được công nhận làng nghề mà các gia đình chuyên sản xuất chè còn có nguyện vọng xây dựng thương hiệu chè sạch. Năm 2007, gia đình ông Tường đã tham gia chương trình chè Global GAP - chè sạch của Sở Nông nghiệp & PTNT triển khai tại Phổ Yên. Gia đình ông đã tuân thủ nghiêm túc các yêu cầu của chương trình đề ra... Năm nay là năm thứ 2 ông thực hiện đúng quy trình GAP với diện tích 700 m2 chè cành LDP1, kết quả ông đã có thu hoạch đều 4 tạ chè tươi/tháng, với giá bán đạt từ 12-13.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 2-3.000 đồng/kg. Đặc biệt khi tham gia chương trình Global GAP, gia đình ông bón phân sao xanh, vừa đảm bảo yếu tố sử dụng phân bón sạch lại giảm tỷ lệ sâu bệnh hại. Tính thu nhập từ 5 sào chè, với 7 lứa thu hái chính trong năm, trừ chi phí gia đình ông có lãi trên 20 triệu đồng/ năm.

 

Tại xóm Tân Ấp I, qua tìm hiểu chúng tôi được biết xóm có nhiều lợi thế để phát triển cây chè. Phía Bắc có con suối nhỏ chảy qua, phía Tây có dải núi Chùa che chắn, bao bọc lấy các nương chè. Vì thế cây chè ở đây quanh năm xanh tốt. Với tổng diện tích 25 ha, cây chè đang không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu của bà con địa phương. Bên cạnh việc phát triển mạnh về diện tích,  bà con rất chú trọng đưa giống mới vào sản xuất vàc áp dụng thường xuyên các tiến bộ KHKT trồng và chăm sóc, ngoài thu hái thủ công thì khâu chế biến chè đã được cơ giới hoá. Tuy nhiên thực tế cho thấy, đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi còn nhiều bấp bênh, nhiều còn bị tư thương ép giá. Việc 5 xóm chuyên canh chè ở Phúc thuận nếu được cấp có thẩm quyền công nhận là Làng nghề truyền thống và chế biến chè sẽ là môi trường thuận lợi để người dân nơi đây phát triển kinh tế bền vững từ cây chè…