Cổ Lũng phát triển kinh tế đa ngành nghề

09:23, 08/03/2010

Do có địa thế nằm dọc theo trục Quốc lộ 3 và Quốc lộ 37, có nguồn nhân lực dồi dào cộng với sự tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước nên trong những năm gần đây xã Cổ Lũng (Phú Lương) luôn biết tận dụng và khai thác tốt thế mạnh để phát triển kinh tế, từng bước cải thiện đời sống của người dân.

 

Chúng tôi vào thăm gia đình anh Nguyễn Văn Quyền, xóm Cổng Đồn, xã Cổ Lũng (Phú Lương) khi anh đang làm việc cùng công nhân trong xưởng sản xuất gạch si-li-cát. Anh tâm sự: Trước đây, nhà tôi có hơn 5 sào ruộng với năng suất khoảng 1,5 tạ/sào chia đều cho 5 nhân khẩu nên có lúc cũng phải đi đong gạo ăn. Năm 2003, tôi cùng với một số hộ dân trong xóm mạnh dạn đầu tư cải tạo ao vườn để nuôi cá giống phục vụ nhu cầu chăn nuôi thuỷ sản trong và ngoài xã. Cứ từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, tôi mua cá giống về ươm và sau khoảng 1, 2 tháng là bán với giá trung bình 30 nghìn đồng/kg tuỳ theo từng loại cá. Bên cạnh đó, từ năm 2007 trở lại đây, gia đình tôi mở thêm xưởng sản xuất gạch si-li-cát, tạo việc làm cho 3 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện tổng thu nhập bình quân của gia đình anh từ cấy lúa và nghề phụ cũng đạt 60 triệu đồng/năm. Kinh tế phát triển, anh vừa xây dựng được căn nhà 2 tầng khang trang với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

 

Khi chúng tôi hỏi về sự phát triển của Cổng Đồn từ khi có các nghề phụ, Trưởng xóm Nguyễn Văn Bính phấn khởi cho biết: Diện tích đất nông nghiệp của xóm là 15 ha. Vài năm trước đây, do chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế của xóm kém phát triển. Đến nay, do áp dụng những giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả vào sản xuất cộng với sự chủ động, nhạy bén trong việc phát triển các nghề phụ nên đời sống người dân từng bước được nâng cao. Bà con đã chuyển từ giống lúa Khang Dân sang cấy giống lúa cao sản, lúa lai, đưa năng suất lúa của xóm từ 48 tạ/ha lên 52 tạ/ha. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Cổng Đồn còn có các nghề phụ đó là: nuôi cá giống, sản xuất ngói và kinh doanh dịch vụ… Những nghề phụ này đã tạo việc làm cho hơn 200 lao động trong xóm với mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, xóm chỉ còn 7/118 hộ nghèo, giảm 8 hộ so với năm 2006; 95% số hộ trong xóm có nhà xây kiên cố.

 

Rời Cổng Đồn, chúng tôi đến xóm 9, một trong những xóm phát triển mạnh nghề phụ của xã Cổ Lũng. Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Bí thư Chi bộ xóm 9 cho biết: Xóm có trên 200 hộ thì có hơn 100 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, số còn lại là sản xuất nông nghiệp. Trong phát triển kinh tế, bà con xóm tôi luôn chủ động tìm hướng làm ăn có hiệu quả. Từ năm 2008 trở lại đây, bên cạnh sản xuất mặt hàng truyền thống là bánh chưng Bờ Đậu, một số đã chuyển sang làm bánh mỳ. Hiện, mỗi ngày xóm tôi tiêu thụ ra thị trường khoảng 10 nghìn chiếc bánh chưng với giá bán từ 5 đến 20 nghìn/chiếc và hơn 15 nghìn chiếc bánh mỳ với giá 5 nghìn đồng/chiếc. Ngoài ra, các hộ trong xóm còn kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng và sản xuất nông nghiệp... Đến nay, số hộ nghèo trong xóm chỉ còn 12, giảm được 13 hộ so với năm 2004. Thu nhập bình quân của các gia đình trong xóm đạt 500 nghìn/người/tháng, tăng gần gấp đối so với năm 2004.

 

Nói về hiệu quả của việc phát triển các ngành nghề phụ, đồng chí Nguyễn Văn  Ánh, Chủ tịch UBND Cổ Lũng cho biết: Vài năm trước xã chủ yếu phát triển nông nghiệp, kinh tế kém phát triển. Từ năm 2007, trở lại đây, ngoài quan tâm phát triển nông nghiệp, xã còn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình phát triển các ngành nghề như: bánh chưng, bánh mỳ, nuôi cá giống, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản phục vụ nông nghiệp, chăn nuôi… tạo việc làm trong lúc nông nhàn, góp phần đưa giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp năm 2009 của cả xã đạt trên 4,2 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch huyện giao. Đối với những hộ còn khó khăn về vốn, xã đã tạo điều kiện để cho các tổ chức đoàn thể đứng ra tín chấp để người dân được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Hiện, tổng dư nợ từ 2 ngân hàng Chính sách - Xã hội và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện lên tới hơn 22 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã đã có hơn 400 hộ sản xuất và kinh doanh dịch vụ, phát triển các nghề phụ với mức thu nhập trung bình 1,5 triệu đồng/người/tháng; số hộ làm nông nghiệp chỉ còn hơn 1.900 hộ. Tổng thu ngân sách năm 2009 của xã đạt trên 500 triệu đồng, đạt 152% kế hoạch. Bộ mặt nông thôn mới của xã có nhiều thay đổi, từ nguồn vốn của Nhà nước và đối ứng của nhân dân xã đầu tư xây dựng các công trình phục vụ dân sinh như: Trường Tiểu học I và Trường THCS, công trình lớp học và nhà ăn Trường Mầm non; tu sửa đập Núi Mủn và hệ thống kênh mương; hoàn thành hơn 800m đường bê tông nông thôn…

 

Có thể nhận thấy, do có sự định hướng đúng đắn của Đảng bộ xã, biết phát huy lợi thế của địa phương cộng với sự cần cù, chịu thương chịu khó của người dân nên Cổ Lũng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Hiện số hộ nghèo của xã chỉ còn 234 trên tổng số 2.319 hộ, giảm hơn 100 hộ so với năm 2006.