Người "tìm vàng" bên dòng sông Lấp

07:34, 25/05/2010

Vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, nhiều trai tráng ở Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) rủ nhau lên các bãi vàng... tìm vận may. Song, có một người đàn ông từ vùng đất Phú Xuyên (Hà Nội) đã lặng lẽ đến vùng đất cằn bên dòng sông Lấp, xóm Nhị Hoà, xã Đồng Bẩm để tìm vàng. Đó là ông Tạ Văn Tuyên, sinh năm 1942 với nghề sản xuất vật liệu xây dựng.

 

Năm 1993, khi đặt chân đến vùng đất này, gia tài của ông chỉ có chiếc xe đạp, mấy bộ quần áo và 10 triệu đồng tiền vốn. Khi vào UBND xã xin phép được làm lò gạch, có người ngạc nhiên bảo ông gàn, không biết tính toán làm ăn, vì trước đó đã có 2 người vào đây làm gạch phải bỏ cơ nghiệp vì mất vốn. Kệ, ông cứ làm, bởi ông biết "họ" thất bại do thiếu kinh nghiệm, thiếu kỹ thuật nên sản phẩm làm ra xấu, không đáp ứng được yêu cầu thị trường.

 

Nhìn dòng sông Lấp hiền hoà chảy, trong ông bao ký ức ùa về: Ngày lên đây dựng nghiệp, cả khu đất này đầy cỏ dại mọc lút đầu. Phải mất 1 năm sau ông mới dám đưa vợ, con lên cùng định cư. Ông bảo: Tôi từng là lính cụ Hồ, nên trước khó khăn tôi không cho phép mình được nản lòng... Vợ ông, bà Nguyễn Thị Trúc kể: Ngày đó, cả nhà tôi sống trong mái lán lợp phên nứa, hằng ngày chồng tôi cùng một số bà con địa phương đến làm công phải quật sức đào đất, đóng gạch, còn tôi tay dao, tay cuốc phát dọn cải tạo khu đất bỏ hoang này làm vườn bãi. Đất không phụ công người, có năm tính riêng vụ đỗ xanh gia đình tôi thu được trên 1 tấn hạt, hơn 2 tạ hạt vừng, chưa kể thóc, lúa. Nhưng ngày đó còn phải đầu tư nhiều chi phí như nhân công, tích luỹ đầu tư cho sản xuất nên vẫn cơm độn sắn, thức ăn lựa cuối chợ chiều mới ra mua rẻ, ăn lấy no...

 

Bây giờ trước một cơ ngơi tiền tỷ với gần 4 ha đất được quy hoạch đẹp mê hồn, trên 60 cây nhãn, xoài và ao cá được xây kè chắc chắn. Mỗi năm, vườn quả cho thu hoạch trên 10 tấn; cá cho sản lượng đạt từ 3 đến 4 tấn và khoảng trên 50 vạn viên gạch ra lò, tổng cộng thu nhập của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng/năm.

 

Qua trò chuyện chúng tôi còn được biết: Có thời điểm vợ chồng ông tạo việc làm ổn định cho gần 50 lao động địa phương. Còn từ 3 năm nay, ông tạo việc làm cho hơn 10 lao động với mức lương ổn định từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Trong ngôi nhà 2 tầng khang trang của vợ chồng ông, hàng trăm nông dân trong, ngoài tỉnh đã tìm đến học tập, làm kinh tế trang trại theo mô hình của ông. Dù bận rộn, ông vẫn dành thời gian phổ biến kinh nghiệm cho những nông dân cách sử dụng vốn đầu tư, chăn nuôi cá; chăm sóc cây ăn quả và kỹ thuật sản xuất gạch xây dựng. Ông tâm sự: Tôi làm việc thành công là nhờ ứng dụng đúng Khoa học kỹ thuật, đồng thời đúc kết kinh nghiệm trong sản xuất, nên có mùa nhãn cả làng mất mùa mà vườn nhà tôi quả vẫn trĩu cành. Và nữa, gạch tôi làm do biết lựa chất đất, xử lý đất, lựa than đốt nên khi đã lên lò, nghe lửa cháy, ngửi mùi khói tôi biết trong lò có bao nhiêu phần trăm gạch đạt loại A...

 

Ông không ngần ngại kể cho tôi nghe về cuộc đời của mình: 15 tuổi sống tự lập, qua nhiều nghề, đi qua nhiều tỉnh cũng vì cuộc mưu sinh. Đến đâu, làm việc gì ông cũng chịu khó học hỏi, tuổi trẻ tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, cùng với đó là chịu khó đọc sách, nghiên cứu về công việc mình làm, vì thế ông gặt hái được nhiều thành công trong lao động sản xuất. Khi có “bát ăn, bát để”, vợ chồng ông bàn bạc, cân nhắc, hằng năm trích bớt phần thu nhập của gia đình để tham gia các quỹ từ thiện nhân đạo. Từ năm 2005 đến nay, vợ chồng ông dành từ 15 đến 20 triệu đồng để ủng hộ các quỹ người nghèo, nạn nhân chất độc da cam... Riêng năm 2009 vợ chồng ông đã ủng hộ 37 triệu đồng cho bà con nhân dân xóm Nhị Hoà làm đường bê tông xóm. Trong xã, một số hộ nghèo khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết, ngoài phần đóng góp chung, ông ủng hộ thêm từ 500 đến 1 triệu đồng/hộ. Nhờ tích cực lao động sản xuất, nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, ông 3 lần được tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất giỏi toàn quốc, được UBND tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, thành phố  tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

 

Khi được hỏi: “Đến bao giờ ông mới chịu nghỉ ngơi”? Thay cho câu trả lời, ông bảo: Hiện tôi đang có ý tưởng xây dựng khu vườn sinh thái, gồm ao câu cá, bể bơi, hệ thống nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống, sân dành cho người cao tuổi tập thể dục dưỡng sinh, vườn cho trẻ em vui chơi... với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ đồng. Song để thực hiện được ước mơ này, tôi mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện cho tôi được thuê lại khu đất này với thời hạn 50 năm.

 

... Đêm. Ngồi viết lại câu chuyện này, những mơ ước của ông Tuyên như văng vẳng bên tai. Vì thế tôi bảo ông là người "tìm vàng" bên bờ sông Lấp. Ông đã tìm được vàng ngay trên mảnh đất đã có nhiều người bỏ đi. Tôi mong ước mơ của ông sớm thành hiện thực.