Những chiến sỹ trên mặt trận phát triển kinh tế

07:38, 31/05/2010

Họ là những người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh. Với sự cần cù, chịu khó, năng động, họ đã đi tiên phong trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế gia đình, hàng năm thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Không những vậy, họ còn có tấm lòng nhân ái, luôn sẻ chia với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

 

Người đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới là ông Bàng Văn Quế, xóm 17, xã Hùng Sơn (Đại Từ) với mô hình kinh tế trồng chè, nuôi nhím hàng năm cho thu lãi 120 triệu đồng. Đến xóm 17, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác bởi màu xanh non của lạc, đỗ, của bát ngát nương chè, sự thanh bình, trù phú bao trùm. Ông Bàng Văn Quế đang thu hoạch chè cùng các nhân công. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông vui vẻ: “Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân kết hợp với các đoàn thể tổ chức tôi đã chuyển đổi 1 mẫu chè cành giống mới như chè Bát Tiên, LDPI, Keo Am Tích vào trồng, trị giá cao gấp 1,5 lần giống chè hạt trung du, nhờ vậy thu nhập từ diện tích chè này cao hơn hẳn so với 1 mẫu chè hạt giống cũ”. Cuối năm 2007, ông Quế quyết định đầu tư trên 30 triệu đồng mua hai cặp nhím sinh sản về nuôi mặc lời can ngăn của mọi người rằng “tiền vốn đầu tư mua nhím cao, lâu cho thu hoạch”. Hiện trong chuồng nhà ông có 11 con nhím, ông vừa bán một cặp nhím thu lãi 19 triệu đồng, chuẩn bị được bán 2 cặp nhím, ước tính thu về khoảng trên 30 triệu đồng. Ông Quế đã giúp đỡ anh Nguyễn Văn Kỳ trong xóm thoát nghèo năm 2008 bằng việc cho vay 5 triệu đồng không lấy lãi để gia đình anh mua giống về trồng 1 mẫu chè cành, đến nay gia đình anh Kỳ có nguồn thu nhập ổn định.

 

Ông Cao Văn Tứ, xóm 2, xã Hùng Sơn lại có kinh tế khá từ nuôi ong lấy mật. Với 2.000 m2 đất canh tác, ông tận dụng 1.000m2 trồng chè, còn lại để trồng vải thiều, nuôi ong. Hiện, trong gia đình ông có từ 135-150 thùng ong. Hàng năm, ông có thu nhập 215 triệu đồng từ đàn ong, trừ chi phí, ông thu lãi gần 100 triệu đồng, (chưa kể nguồn thu từ cấy lúa, vải thiều và trồng chè). Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Tứ còn nhiệt tình đến tận nhà chia sẻ kinh nghiệm với các hộ có sở thích nuôi ong trong vùng, đặc biệt với 1 số hộ khó khăn, khi họ mua giống, ông hỗ trợ 15-20 thùng ong giống(giá trị từ 6-8 triệu đồng) không lấy lãi, tạo điều kiện đến khi họ có thu nhập từ ong mới lấy tiền.

 

Ông Triệu Tiến Hồng, xóm Mỏ Sắt 1, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) và ông Lê Xuân Điệp, xóm Là Lưu, xã Tràng Xá (Võ Nhai) lại là hai hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) chọn mô hình vườn - ao - chuồng- rừng để đầu tư. Với 45 ha đất vườn, rừng, ông Hồng trồng cây phấn, keo, bạch đàn. Ngoài trồng rừng, vợ chồng ông còn canh tác 1,4 mẫu ruộng, cộng với chăn nuôi gia súc, gia cầm trừ chi phí thu lãi 95 triệu đồng/năm. Ông Hồng không chỉ là hộ SXKDG mà còn tạo điều kiện về vốn cho 4 hộ nghèo trong xóm vay 20 triệu đồng (trung bình 5 triệu đồng/hộ) không lấy lãi. Còn ông Lê Xuân Điệp tận dụng diện tích 7 ha của gia đình đầu tư trồng keo lai, trồng chè, trồng cây hàng năm. Hiện gia đình ông có 50 cây vải thiều, 100 cây nhãn lồng Hưng Yên, nhãn Thi; 70 cây bưởi Diễn, cam Đường, 100 cây ổi Găng. Kết hợp với chăn nuôi gia súc gia cầm và thả cá, tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông đạt 106 triệu đồng.

 

Các ông chỉ là 4 trong rất nhiều những tấm gương nông dân SXKDG của tỉnh (giai đoạn 2008-2010) mà trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi không thể đề cập hết được. Mỗi  người có một cách nghĩ, các làm sáng tạo trong phát triển kinh tế để mang lại hiệu quả cao. Họ đã và đang chứng minh người nông dân ngày nay không chỉ thuần tuý chân lấm tay bùn mà còn là những chiến sĩ trên mặt trận tăng gia sản xuất như lời Bác Hồ căn dặn, để làm giàu cho gia đình và xã hội.