Khó khăn là động lực để vươn lên

07:42, 02/06/2010

Nhắc đến anh Chu Văn Hải, sinh năm 1968, dân tộc Sán Dìu, xóm Cổ Lũng, xã Cổ Lũng (Phú Lương) thì người dân địa phương ai cũng biết đến đó là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu từ xưởng mộc và sản xuất gạch cùng mô hình VAC hàng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong xóm.

 

Dáng vẻ hiền khô, anh kể lại quá khứ với chúng tôi, giọng lúc trầm, lúc bổng còn ánh mắt dõi buồn, nhìn xa xăm. Chị vợ, thỉnh thoảng lại lấy tay lau những giọt nước mắt lăn dài trên hai gò má. Năm 1993, khi mới xây dựng gia đình, được bố mẹ cho ra ở riêng, cả tài sản của hai vợ chồng lúc đó chỉ là ngôi nhà 3 gian, một chiếc xe đạp phượng hoàng, chiếc giường tre và mấy cái xoong chảo. Anh chị không thể tưởng tượng được rằng bây giờ mình lại ở trong ngôi nhà hai tầng khang trang có giá trị lên tới 300 triệu đồng, với đầy đủ các tiện nghi, vật dụng hiện đại. Tất cả đều nhờ sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó, nỗ lực vươn lên trong gian khó của anh chị.

 

Quãng thời gian anh chị vất vả nhất là khi người con đầu ra đời năm 1997, một bé gái xinh xắn, thông minh nhưng không may bị liệt bẩm sinh. Đời sống vợ chồng anh chị vốn vất vả nay lại chồng chất khó khăn. Mỗi ngày, anh chị thay phiên nhau một người đi làm, còn một người ở nhà trông con. Cháu học rất giỏi, nhưng thường xuyên đau ốm phải đi viện, mỗi lần vậy anh chị lại vay mượn tiền của người thân họ hàng, có khi lên tới hàng chục triệu đồng. Anh ở nhà lo tiền, lo làm ăn còn chị ở viện chăm sóc cháu. Có lẽ tất cả những bất hạnh khó khăn ấy đã tiếp thêm nghị lực cho anh chị sức mạnh để tìm tòi, học hỏi vươn lên trong cuộc sống, để làm giàu chính đáng, anh đã quyết định dồn góp số tiền vay mượn của gia đình và người thân, cộng với số tiền vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để mua máy xẻ, nguyên liệu gỗ để làm. Ngày ngày cặm cụi trong xưởng mộc, anh đã tích lũy được một số vốn đến năm 2001 mở rộng xưởng mộc, mua các máy móc thiết bị sản xuất theo dây chuyền hiện đại như máy xẻ, máy bào, máy đục… Thu nhập của anh chị từ đủ ăn, đủ lo viện phí cho con dần dần đã để "vốn" mỗi năm mấy chục triệu đồng.

 

Được biết, anh Hải là người duy nhất trong gia đình theo nghề mộc gia truyền của cha. Anh cho biết, nghề này đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo, tỉ mỉ lại chăm chỉ nên không phải ai cũng làm được. Từ trước đến nay, anh là người duy nhất cho đến bây giờ làm nghề mộc trong xóm, sản phẩm có chất lượng, giá cả lại phải chăng nên được người đặt mua với số lượng lớn. Trong xóm, xã và cả các địa phương lân cận người dân cũng đến đặt mua hàng. Hàng anh chị làm ra không đủ bán.

 

Năm 2006, nhận thấy trên thị trường nhu cầu của người dân về vật liệu xây dựng rất lớn, vợ chồng anh chị đã xây dựng lò sản xuất gạch với sản lượng 7 vạn viên/lần đốt. Công việc của anh Hải là tập trung cho xưởng mộc nên toàn bộ việc sản xuất gạch và tiêu thụ trên thị trường đều do vợ anh đảm nhiệm. Hàng năm, lò gạch của anh chị sản xuất khoảng 50 vạn gạch, cho thu lãi trên 70 triệu đồng. Lò sản xuất gạch của gia đình anh giải quyết việc làm cho 25 lao động thời vụ với mức tiền công từ 80-100 nghìn đồng/ngày. Vất vả là vậy nhưng vợ chồng anh Hải vẫn tận dụng diện tích mặt ao nuôi thả cá, kết hợp với chăn nuôi gia súc gia cầm. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình anh là trên dưới 200 triệu đồng.

 

Những vất vả, khốn khó trước đây luôn nhắc nhở anh chị phải không ngừng nỗ lực vươn lên đồng thời biết tạo cơ hội để sẻ chia với những người có hoàn cảnh khốn khó hơn mình. Anh tâm sự: “Khó khăn chính là động lực để tôi vươn lên. Vợ chồng tôi cũng có một quá khứ vất vả nhọc nhằn, vì vậy chúng tôi luôn tâm niệm mình cần quan tâm, chăm sóc, chia sẻ vất vả với những người nghèo”. Do vậy, các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng của xóm anh đều tham gia ủng hộ hàng vạn gạch. Những hộ nghèo trong xóm đều được anh tạo điều kiện cho mua gạch hoặc đồ gỗ nội thất trả sau không lấy lãi, mỗi nhà với số tiền từ 5-10 triệu đồng. Hộ anh Nông Văn Dũng là một ví dụ. Gia đình anh Dũng thuộc diện hộ nghèo được làm nhà theo quyết định 167, anh Hải đã cung cấp vật liệu xây dựng và đồ gỗ nội thất số tiền 5 triệu đồng cho anh Dũng vay không tính lãi. Hoặc các hộ như Bùi Văn Dũng, Trần Quốc Huy, Hoàng Mạnh Hà cũng được anh Hải tạo điều kiện hỗ trợ vật liệu xây dựng khi xây dựng nhà cửa.

 

Trong khó khăn không nản lòng, yếu chí vẫn nỗ lực vươn lên tìm hướng phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương, anh Chu Văn Hải xứng đáng là tấm gương nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi, cần được biểu dương, nhân rộng.