Làm bún thoát nghèo

10:05, 25/06/2010

Ông Ma Văn Vấn, hội viên Chi hội Nông dân xóm Hợp Thành, thị trấn Chợ Chu (Định Hóa) là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vừa được nhận Giấy khen của Hội Nông dân tỉnh. Mô hình sản xuất của gia đình ông là làm bún và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trước đây, nguồn thu của cả gia đình ông chỉ trông vào 7 sào ruộng, lại phải lo tiền nuôi hai con ăn học nên đời sống rất chật vật. Khi vợ ở nhà làm ruộng, ông Vấn đã đi làm phụ hồ, nhưng nghề này vốn vất vả lại cho nguồn thu không ổn định vì xây dựng thường theo mùa vụ. Năm 2004, ông đến nhà người thân cùng thị trấn và biết được họ có thu nhập cao từ nghề làm bún. Sau khi bàn bạc với vợ, hai vợ chồng ông đã học nghề làm bún để kiếm thêm thu nhập. Vợ chồng ông đã đầu tư mua máy xay bột, đánh bột về làm. Ban đầu chưa quen việc, quen khách nên bún bán hay bị “ế”, cả nhà phải ăn bún thay cơm. Một thời gian sau, khi đã nắm chắc kỹ thuật để làm được bún ngon, lại quen khách nên bún của vợ chồng ông làm ra ngày càng được nhiều người đặt mua.

 

Ông chia sẻ, để làm bún ngon, đầu tiên người làm phải kỹ càng từ khâu chọn gạo, ngon nhất là gạo Bao thai Định Hóa. Nếu chọn được gạo ngon, trắng thì bún sẽ dẻo, thơm. Ngoài ra, bí quyết của gia đình ông để làm bún ngon, trắng thì lúc ngâm bột phải đảm bảo đủ ngày, chú ý nhiệt độ, thời tiết. Thường thì nếu mùa đông, cần ngâm 10 ngày đêm, nhưng nếu thời tiết nóng như mùa hè thì chỉ phải ngâm 7 ngày đêm. Mỗi ngày ngâm bột cần thay nước một lần. Khi ngâm phải để kín, lấy đá nén, tránh nước bột bị chua ảnh hưởng đến chất lượng. Sau khi ngâm đủ ngày, bột sẽ được chuyển để luộc, rồi đánh tơi cho thật nhuyễn. Hơn nữa, bún ngon, thơm, trắng, có độ dẻo phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Được biết, tháng 4 vừa qua, Ban Chỉ đạo Vệ sinh An toàn thực phẩm huyện Định Hóa đã đi kiểm tra tại gia đình ông và công nhận cơ sở làm bún của gia đình ông đảm bảo chất lượng, an toàn, sạch sẽ.

 

Hiện, mỗi ngày, gia đình ông bán ra từ 70-100 kg bún, thu lãi từ 200-300 nghìn đồng. Những dịp lễ, tết thì vợ chồng ông làm không hết việc, một ngày có thể bán từ 5-7 tạ bún, thu lãi hàng triệu đồng. Một năm, trừ chi phí, ông thu lãi trên 100 triệu đồng từ nghề làm bún. Với thu nhập này, vợ chồng ông có điều kiện hơn tập trung nuôi hai con gái đang học Đại học Nông lâm và Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Thái Nguyên). Đồng thời gia đình ông mua sắm được nhiều vật dụng tiện nghi trong gia đình, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài làm bún, vợ chồng ông còn tận dụng nguyên liệu thừa để chăn nuôi gia súc, gia cầm, cho nguồn thu nhập ổn định 20-30 triệu đồng/năm.

 

Với người nông dân, để tăng thu nhập không phải quá khó, điều quan trọng là biết tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình chăm chỉ với công việc, đó là bí quyết mà ông Vấn chia sẻ.