Nuôi gà Lai Mía làm giàu

08:16, 08/06/2010

Với 128 hộ dân nhưng lúc nào xóm Đoàn Kết, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cũng có tổng đàn gà Lai Mía vào khoảng 150.000 con. Là dân của xóm nên ông Vũ Đức Phong, Phó chủ tịch UBND xã Hợp Tiến rất tự hào thông báo: Bình quân mỗi hộ dân trong xóm đang nuôi khoảng 1.000 đến 1.500 con gà Lai Mía. Cá biệt có hộ nuôi đến 6.000 con gà Lai Mía.

 

Vì giống gà Lai Mía được lai giữa gà Ri (gà ta) và giống gà Lương Phượng nên người dân nuôi theo phương thức thả gà trong vườn. Ông Nguyễn Xuân Hoà, Trưởng xóm Đoàn Kết tính nhẩm: Với chu kỳ 5 lứa/năm, mỗi năm xóm xuất bán 750 nghìn con gà với giá 80 nghìn đồng/con, tổng giá trị sản lượng gà của cả xóm lên đến 60 tỷ đồng. Gà Lai Mía trưởng thành nhanh hơn gà ta từ 15 - 20 ngày, chịu rét rất tốt và chất lượng thịt không kém gì so với gà ta nên rất dễ tiêu thụ. Hàng ngày, thương lái từ khắp nơi như Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tây, Bắc Giang, Hà Nội... đã tìm về đây mua gà với số lượng lớn.

 

Chúng tôi đã đến tìm hiểu thực tế tại gia đình anh Vũ Văn Tấn, có vợ là chị Hoàng Trang ở xóm Đoàn Kết - hộ nuôi gà Lai Mía nhiều nhất xóm với 6.000 con gà. Anh, chị cho biết vừa xuất bán 1.000 con gà Lai Mía thu lãi gần 30 triệu đồng. Đáng mừng là có 3.000 con gà gia đình đang nuôi sẽ được xuất bán vào đúng dịp cuối năm, chắc chắn giá bán sẽ cao hơn do nhu cầu thị trường tăng cao vì phục vụ Tết Nguyên đán. Theo hạch toán thì nuôi gà này lãi từ 1/3 đến gần một nửa tổng giá trị đàn gà, tính trung bình, cứ 1.000 con sẽ lãi từ 20 - 40 triệu đồng.

 

Nói về ngọn nguồn việc nuôi gà thả vườn, ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hợp Tiến kể: Phong trào nuôi gà Lai Mía bắt đầu từ “Mưa, Nắng, Sáng, Huy”. Đó là tên của 4 người nông dân đầu tiên nuôi gà của xóm Đoàn Kết. Loay hoay để tìm cách làm kinh tế, anh em ông Vũ Văn Mưa, Vũ Văn Nắng, Vũ Văn Sáng và ông Lê Văn Huy quyết định nuôi thí điểm mấy trăm con gà Lai Mía. Với đặc tính dễ nuôi, chăm sóc đơn giản lại có hiệu quả cao nên chẳng mấy chốc cả xóm Đoàn Kết đã trở thành một đại trang trại nuôi gà Lai Mía. Hầu hết các vườn nhãn, vườn chè đều được quây lưới thả gà. Buổi sớm, cả một vùng đồi núi rộn vang tiếng gà gáy. Các hộ dân có ý thức rất cao khi thực hiện tiêu độc, khử trùng tổng thể để phòng bệnh cho đàn gà. Chính vì vậy mà trong suốt 4, 5 năm qua kể từ khi gà Lai Mía chạy trong vườn nhãn, vườn chè của người dân ở Đoàn Kết vẫn chưa có dịch bệnh nào gây hại cho đàn gà. Ông Lê Văn Màu, một hộ dân nói: Người dân xóm Đoàn Kết ai ai cũng nắm vững thời điểm tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho gà. Bà con ở đây rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi gà Lai Mía qua sách, báo, đài, ti vi… Rồi ông Màu đọc làu làu cho chúng tôi nghe từng thời điểm phải tiêm phòng các loại vắc xin cho gà như: gà 1 ngày tuổi, 3 ngày, 9, 15, 21, 27, 35 ngày tuổi tương ứng là các loại thuốc như Majec, Na so ta, Niu cat sơn...

 

Từ chỗ chỉ có 4 hộ ban đầu chăn thả, mô hình nuôi gà Lai Mía thả vườn đã được nhân rộng ra cả xã. Hiện, Hợp Tiến có hơn 600/ 1.387 hộ dân trong toàn xã nuôi gà Lai Mía. Theo ông Vũ Xuân Thái, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ: Để góp phần khuyến khích các hộ dân phát triển mô hình chăn nuôi gà Lai Mía, thời gian tới, Trạm sẽ tiến hành tập huấn, hỗ trợ người dân sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà để đảm bảo vệ sinh môi trường.