Xứng danh Hợp tác xã Cờ Hồng

08:06, 24/06/2010

Trước đây (những năm 70 của Thế kỷ trước), mỗi lần nói đến Hợp tác xã Cờ Hồng, người ta thường nghĩ ngay đó là một điểm sáng trong các HTX  toàn tỉnh.

 

Ông Nguyễn Xuân Cầm, Chủ nhiệm HTX Cờ Hồng - người đã từng gắn bó với HTX từ những ngày mới thành lập (1960), năm nay đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn khoẻ mạnh, tháo vát. Nhiều năm lăn lộn với công việc kinh doanh, nhưng thương trường không làm cho ông chậm chạp đi theo năm tháng mà vẫn luôn vui, khoẻ. Khi thấy tôi nhắc về một thời của HTX, mắt ông như sáng lên với vẻ tự hào. Ông kể: Nhớ lại những năm tháng đó, HTX Cờ Hồng thuộc xã Đồng Bẩm (Đồng Hỷ), nay thuộc về thành phố Thái Nguyên thật nhộn nhịp. Vì lúc đó, HTX thu hút khá đông xã viên, với 414 người; tham gia sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với nhiều ngành nghề: cơ khí (gồm tiện, nguội, đúc, hàn); sản xuất mành cọ xuất khẩu cho các nước Liên Xô, Ba Lan, Đức…; dịch vụ vận tải (vừa vận chuyển hành khách, vừa vận chuyển hàng hoá); sản xuất vôi phục vụ cho xây dựng.

 

Từ năm 1979 đến khi thực hiện chuyển đổi HTX sang mô hình mới (năm 1998), HTX Cờ Hồng cũng nhiều HTX khác đều rơi vào tình trạng thoái trào do mất thị trường xuất khẩu các sản phẩm mành cọ; sản phẩm xi măng “lên ngôi” nên người tiêu dùng ít sử dụng vôi trong xây dựng, làm nghề này mất đi. Bên cạnh đó, nền kinh tế bắt đầu chuyển dần sang cơ chế thị trường nên nhiều xã viên đã bỏ việc “bung” ra ngoài tự làm ăn. Sau chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, HTX chỉ còn 13 xã viên; ngành nghề cũng chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới với các hoạt động: cơ khí, xây dựng, in quảng cáo, chế biến gỗ. Rất mừng, sau thời gian khủng hoảng, đến nay, HTX đã duy trì được nhịp độ sản xuất, kinh doanh và phát triển khá tốt. Thương hiệu một thời của HTX vẫn giữ vững trong lòng khách hàng”.     

 

Không nói nhiều về HTX, ông mời tôi đi thăm cơ ngơi HTX. Tuy không có nhà xưởng khang trang, nhưng đã khác trước nhiều rồi. Ông Nguyễn Xuân Cầm chỉ cho tôi khu đất trước mặt: Nơi đây, sau những năm gần như tan rã, HTX chẳng còn gì. Để “xốc” lại, HTX đã huy động thêm vốn trong xã viên xây dựng một số nhà xưởng phục vụ sản xuất, kinh doanh. Lựa chọn ngành nghề phù hợp và “tung” quân đi tiếp thị thị trường để khai thác việc làm, tiêu thụ sản phẩm; mở thêm cửa hàng ở trung tâm TPTN (TPTN) tiện cho việc giao dịch, giới thiệu và bán sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm; đa dạng hoá các mặt hàng theo yêu cầu của khách hàng. Công việc ngày càng nhiều, HTX phải tuyển thêm lao động để bảo đảm sản xuất, kinh doanh. Vì thế, ngoài số xã viên vẫn giữ ổn định 13 người,  hàng năm HTX đã tạo thêm việc làm thường xuyên cho từ 35- 40 lao động xã hội với thu nhập bình quân từ 1,5 triệu (năm 2009) đến 1,8 triệu đồng/người/tháng (năm 2010)).

 

Ông Cầm đưa tôi xuống thăm xưởng chế biến gỗ và khu vực sản xuất cơ khí. Gỗ xếp ngổn ngang chờ đợi sản xuất ra thành phẩm. Ông bảo với tôi: Các mặt hàng đồ gỗ của HTX chủ yếu là hàng gia dụng, phục vụ giới bình dân như: bàn ghế, giường tủ; cốp pha; nan, nẹp phục vụ cho đóng thùng hàng, ghép khung ảnh; hòm đựng dụng cụ y tế…Hoạt động cơ khí  bây giờ không còn đi vào tiện, nguội như trước mà phải linh hoạt trong công việc thì mới có việc làm thường xuyên. Ví dụ như, cứ có thông tin ở đâu có phá dỡ nhà cũ là mấy anh thợ cơ khí lại “tiếp cận” ngay để phá, tháo, dỡ lấy sắt, thép và tận dụng những cái tốt để gò, hàn nên những sản phẩm mới như: khung cửa, tường rào, cửa sổ… nên quanh năm làm không hết việc. Khách hàng đến mua hàng của HTX chủ yếu ở khu vực TPTN và huyện Đồng Hỷ. Vì vậy, so với năm 2005, đến năm 2009, các chỉ tiêu đều tăng như: Doanh thu tăng từ 1,921 tỷ đồng lên 6,842 tỷ đồng; dự kiến năm 2010 đạt 7 tỷ đồng; tổng vốn từ 1,280 tỷ tăng lên 5,2 tỷ đồng, trong đó, vốn cố định tăng 2,5 lần, năm 2010 ước đạt 2 tỷ đồng; vốn lưu động tăng 7,3 lần. Nộp ngân sách từ 40 triệu đồng, lên 265 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn tham gia đóng góp các quỹ từ thiện xã hội ở địa phương với số tiền từ 7 đến 8 triệu đồng mỗi năm.

 

Nhiều năm qua, HTX Cờ Hồng liên tục được Liên minh HTX Việt Nam, UBND tỉnh và huyện tặng Bằng khen, Giấy khen. Trước khi ra về, ông Nguyễn Xuân Cầm còn khoe với tôi: Sắp tới, HTX sẽ kết nạp thêm một số xã viên. Đây sẽ là điều kiện để HTX tăng thêm vốn điều lệ và huy động sự đóng góp của mọi người để đầu tư cho sản xuất và kinh doanh của HTX ngày càng phát triển theo hướng bền vững.