Hiệu quả bước đầu từ sử dụng phân bón NEB-26

18:30, 27/01/2011

Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây chè và lúa Bao thai, năm 2010 Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa đã tổ chức thực hiện Dự án ứng dụng khoa học: “Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hỗ trợ xây dựng mô ứng dụng bón phân NEB-26 trên cây lúa và cây chè tại 2 xã Bảo Cường và Sơn Phú”. Kết quả bước đầu cho thấy, phân bón NEB-26 phù hợp với đồng đất Định Hóa, góp phần giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.

 

NEB-26 là phân bón vi sinh thế hệ mới đã được Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Bộ Nông nghiệp và PTNT khảo nghiệm, xây dựng thành công mô hình sản xuất đạt hiệu quả cao (năm 2008). Đây là loại phân bón vi sinh qua rễ, có tác dụng điều hoà và cân bằng dinh dưỡng cho cây trồng. Khi sử dụng được trộn lẫn với phân đạm Urê sẽ giảm được 1/2 lượng đạm trên một đơn vị diện tích so với cách người nông dân vẫn sử dụng. Ngoài ra, NEB-26 có tác dụng gia tăng hệ vi sinh vật có lợi trong đất, giúp cây trồng phát triển mạnh bộ rễ, sử dụng có hiệu quả các chất dinh dưỡng và tăng sức đề kháng với sâu bệnh.

 

Dự án được thực hiện trên 10ha lúa Bao thai vụ mùa của 34 gia đình ở xã Bảo Cường, trong đó, 5 ha thâm canh có sử dụng phân bón NEB-26 và 5 ha đối chứng sử dụng phân bón thường. Cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện đã trực tiếp xuống các hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật thâm canh và cách thức sử dụng phân bón NEB-26. Theo đó, mỗi sào lúa Bao thai thử nghiệm sẽ thực hiện 1 lần bón lót và 3 lần bón thúc, kế hợp sử dụng các loại phân bón thông thường và giảm 50% lượng phân đạm Urê (khoảng 5 kg) để thay thế bằng 7ml NEB-26 cho mỗi kg Urê.

 

Bà Nguyễn Thị Hà, thôn Cắm Xưởng, xã Bảo Cường nhận xét: Bao Thai là giống lúa có thân yếu, dễ đổ nhưng thông qua sử dụng NEB-26, lúa có thân cứng hơn và không bị đổ, khả năng chống chịu các loại sâu bệnh thông thường như: sâu quấn lá, sâu đục thân, khô vằn, bạc lá... đều giảm hẳn, năng suất lúa đạt 2 tạ/sào, cao hơn thửa ruộng đối chứng của gia đình là 20 kg/sào.

 

Đối với cây chè ở Sơn Phú, Dự án sử dụng phân bón NEB-26 tiến hành trên diện tích 5ha của 24 gia đình. Qua theo dõi 4 lứa hái chè của các hộ thực hiện cho thấy: năng suất bình quân 1 sào chè có sử dụng NEB-26 cao hơn thâm canh thông thường là 2,46 kg chè khô. Lá chè có bón NEB-26 có màu xanh trong, búp chè đồng đều, hái dễ gẫy. Thời gian giữa 2 lứa chè có NEB-26 cũng rút ngắn được so với thông thường từ 3-5 ngày. Về chất lượng, chè pha nước có màu xanh trong, hương thơm hơn so với chè  thâm canh thông thường. Ông Nguyễn Văn Hà, xóm Phú Hội, Sơn Phú bổ sung thêm: Không chỉ giảm được lượng phân bón và tăng chất lượng chè, sử dụng NEB-26 trên cây chè còn làm tăng độ tơi xốp, độ phì và khả năng giữ ẩm của đất.

 

Ông Ngô Quốc Tự, Phó Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Định Hóa, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Qua thực nghiệm và kiểm chứng cho thấy, sử dụng phân bón sinh học NEB-26 trên cây chè và lúa giúp giảm chi phí sản xuất từ 5-7%, trong khi năng suất lại tăng khoảng 10%. Đây là dự án đã được thử nghiệm thành công ở một số địa phương như: Việt Yên (Bắc Giang), Tiên Lãng (Hải Phòng), Hải Dương... Sử dụng phân bón sinh học nói chung, NEB-26 nói riêng sẽ là hướng canh tác tiên tiến, phù hợp với xu thế xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường hiện nay. Trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện sẽ đề nghị Sở Khoa học Công nghệ tỉnh tiếp tục cho triển khai và mở rộng Dự án, đồng thời mong muốn chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, khuyến khích để mở rộng mô hình.