Trong những năm qua, Trạm Khuyến nông Phổ Yên luôn làm tốt công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới đến với người nông dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cùng đơn vị diện tích. Điều này càng có ý nghĩa to lớn khi diện tích đất nông nghiệp của Phổ Yên đang bị thu hẹp để nhường chỗ cho các dự án công nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Chai, Trạm Phó trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên cho biết: Năm 2010, Trạm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng UBND các xã, thị trấn tổ chức nhiều mô hình sản xuất trình diễn, trong đó có một số mô hình đạt hiệu quả cao như: Mô hình trình diễn giống bí xanh quy mô 4 ha, đậu tương 5 ha, lúa các loại 18 ha gồm các giống: SYN 6, Đại Dương, HYT 100, CRN 02…, 11 ha ngô với các giống: CP 333, VS 26, MB 68, MB 69 tại các xã Hồng Tiến, Đồng Tiến; trồng khoai tây Silora 5 ha tại xã Đắc Sơn, nuôi cá rô phi đơn tính quy mô 2 ha với 30 hộ ở các xã Tiên Phong và Hồng Tiến; nuôi cá rô đồng tại xã Đông Cao và Tân Hương với diện tích 1.500m2; nuôi gà an toàn sinh học quy mô 8.000 con tại xã Đắc Sơn, Đồng Tiến… Qua việc thực hiện các mô hình trình diễn, các hộ nông dân đã lựa chọn được các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương.
Để công tác khuyến nông thực sự phát huy hiệu quả, Trạm Khuyến nông huyện Phổ Yên còn tích cực phối hợp với các ban, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường đưa các loại giống lúa, cây màu có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng, kết hợp với việc chuyển đổi những diện tích cấy lúa không ăn chắc sang trồng cây rau màu. Các hộ đã tăng diện tích lúa xuân sớm để trồng màu vụ đông, thực hiện phương pháp sản xuất gieo sạ cải tiến, giảm lượng giống trên diện tích, giảm chi phí vật tư và tăng giá trị sản xuất.
Ngoài ra, Trạm khuyến nông huyện còn đổi mới nâng cao chất lượng công tác tập huấn, hội thảo chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất theo hướng gần cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã, các công ty sản xuất và cung ứng giống cùng tổ chức thực hiện. Phương pháp tập huấn đã kết hợp giữa việc học tập, trao đổi tọa đàm và thực tế sản xuất, phù hợp với khả năng tiếp thu và ứng dụng của người dân. Năm 2010, Trạm Khuyến nông đã mở được hơn 328 lớp tập huấn cho hơn 15.700 lượt người về kỹ thuật trồng trọt, chủ yếu là về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các giống lúa mới và cây trồng vụ đông, chăn nuôi, thủy sản, chăm sóc và bảo vệ rừng… phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh xã hội đào tạo nghề trồng nấm cho 35 hộ dân trong thời gian 3 tháng.
Anh Đinh Văn Thu, ở xóm Trại, xã Đông Cao bày tỏ: Mọi năm, hơn 1 sào rau của gia đình tôi thường bị cào cào, châu chấu phá hay bị nát mỗi khi trời mưa to. Vụ đông vừa rồi, do được cán bộ khuyến nông xã, huyện hướng dẫn, gia đình tôi đã ứng dụng trồng rau trong nhà có lưới che chắn bao quanh. Nhờ đó, hơn 1 sào rau bắp cải vụ đông nhà tôi hiện đang phát triển tốt, ít chịu ảnh hưởng của sâu bọ và thời tiết như rét đậm, sương muối. Ước tính hơn 1 sào bắp cải của nhà tôi sẽ cho thu khoảng trên 7 triệu đồng. Giờ thì, mỗi khi vào vụ mới, bà con chúng tôi đều hiểu rằng, muốn lựa chọn sản xuất cây, con gì cũng cần nắm chắc được kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, phòng bệnh thì mới đạt kết quả cao.
Ông Nguyễn Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Tiên Phong thì khẳng định: Lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở luôn hỗ trợ đắc lực cho chính quyền xã trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, chỉ đạo thời vụ gieo cấy, lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với đồng đất địa phương. Ngoài ra, họ còn luôn bám sát địa bàn và có mặt kịp thời, giúp bà con nông dân chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi, không để xảy ra những ổ dịch lớn.
Có thể nói, công tác khuyến nông ở huyện Phổ Yên đã trở thành người bạn đồng hành của nhà nông, là hoạt động không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Nhiều mô hình thâm canh cây trồng đã giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn huyện…