Vụ xuân năm nay, huyện Đại Từ có kế hoạch gieo cấy 5.670 ha lúa (trong đó lúa lai là 1.200 ha) và trồng 1.650 ha cây màu các loại. Để sản xuất vụ xuân giành thắng lợi, huyện đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách mới hỗ trợ nông dân, xây dựng một số mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT để trình diễn, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất các loại cây trồng vụ xuân đảm bảo theo khung thời vụ...
Những ngày này, bà con nông dân xã Bản Ngoại đang tất bật chăm sóc và thu hoạch các loại rau màu vụ đông. Trên những ruộng củ đậu, họ nhanh tay thu hoạch số diện tích còn lại rồi mang lên bán cho khách ngay gần ruộng. Ở chỗ khác, một nhóm nông dân đang bận rộn với việc tưới nước, phun thuốc trừ sâu cho những luống cải bắp, súp lơ. Đang nhổ cỏ và lựa những trái cà chua chín để mang đi bán, chị Nguyễn Thị Hương, ở xóm Khâu Giang tâm sự: Gia đình tôi có hơn 1 sào cà chua, vụ đông này cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Những trái còn lại, tôi giữ đến gần Tết mới bán để được giá, thêm chút tiền sắm sửa cho gia đình đón một năm mới vui vẻ. Sau khi thu hoạch cà chua, đến khoảng đầu tháng 2, gia đình tôi lại cấy lúa vụ xuân theo đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Việc nhà nông mà, hết cấy lúa lại trồng màu...
Cùng đi với chúng tôi, đồng chí Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đại Từ cho biết thêm: Vụ xuân năm nay, chúng tôi tham mưu cho huyện lựa chọn xây dựng mô hình “ứng dụng khoa học kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất lúa” tại xã Bản Ngoại, bởi người dân ở đây có trình độ thâm canh cao, lại năng động, nhạy bén, tích cực ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Mô hình này có quy mô rộng 20ha, dự kiến đưa lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào trồng để sản xuất tập trung. Cũng tại mô hình này, Phòng Nông nghiệp - PTNT chỉ đạo ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, công cụ cải tiến sạ hàng, dùng bảng so màu lá lúa để giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Hiện chúng tôi đang khảo sát, lựa chọn cánh đồng để thực hiện mô hình này...
Cùng với việc triển khai mô hình thâm canh tăng năng suất lúa, trong vụ xuân này, huyện Đại Từ còn thực hiện mô hình trồng rau đặc sản như rau ngót rừng, rau rớn, rau bò khai... với quy mô 0,5ha tại xã La Bằng; mô hình trồng khoai sọ đặc sản với quy mô 1ha tại xã Lục Ba... Không chỉ thực hiện nhiều mô hình mới, trong vụ xuân này, ngoài phần trợ giá của tỉnh, huyện tiếp tục hỗ trợ giá giống lúa lai, ngô lai đến người dân với mức: lúa lai các loại hỗ trợ 20 nghìn đồng/sào, tăng 12 nghìn đồng/sào so với năm 2010; ngô lai các loại hỗ trợ 6 nghìn đồng/sào, tăng 2 nghìn đồng/sào so với năm 2010. Tổng kinh phí hỗ trợ lên tới trên 750 triệu đồng, được huyện trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp nông nghiệp của địa phương. Hình thức hỗ trợ được huyện áp dụng là sau khi các hộ nông dân gieo trồng xong sẽ tiến hành nghiệm thu và hỗ trợ trực tiếp cho các hộ. Hình thức này được huyện thực hiện từ vụ xuân năm trước và được tỉnh nhân ra diện rộng, triển khai trong toàn tỉnh từ năm nay. Như vậy, với bà con nông dân huyện Đại Từ, vụ xuân này được tỉnh, huyện hỗ trợ trực tiếp 40 nghìn đồng/sào lúa lai, ở các xã đặc biệt khó khăn là 50 nghìn đồng/sào.
Thường thì trong vụ xuân, toàn huyện chủ động nước tưới được 60% diện tích canh tác nông nghiệp, 40% còn lại phụ thuộc vào nước trời, các vai đập tạm (với diện tích khoảng trên 1.5000 ha, tập trung tại các xã như Phú Lạc, Phục Linh, An Khánh, Bình Thuận, Hoàng Nông, Mỹ Yên…). Để đảm bảo nước tưới phục vụ gieo trồng vụ xuân, chính quyền các xã đã cùng bà con nông dân vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp chống hạn. Ngoài biện pháp tăng cường tích trữ nước ở các công trình thuỷ lợi đầu mối, nạo vét, sửa chữa kênh mương, huyện đã tiến hành sửa chữa các công trình thuỷ lợi bị hư hỏng như: hồ Cầu Trà (Yên Lãng), hồ Đồng Tiến (Phú Lạc), hồ Cây Sấu (Phú Thịnh); sửa chữa 3 trạm bơm: Đầm Dín (Phú Lạc), Na Mấn (Phú Cường) và trạm bơm Phục Linh. Ngoài ra, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn huy động sức dân tiến hành nạo vét kênh mương cung cấp kịp thời nước tưới cho đồng ruộng. Đối với những diện tích ruộng không có khả năng bơm tát nước để cấy lúa, huyện chỉ đạo nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây màu khác như ngô, đậu tương, lạc, rau màu các loại...
Thời điểm này, huyện đang tiến hành tập huấn quy trình gieo cấy lúa vụ xuân cho các hộ dân; tổ chức cho bà con đăng ký lượng giống, vật tư phân bón phục vụ sản xuất, đặc biệt là giống lúa lai. Để đảm bảo cây lúa đạt năng suất, sản lượng cao, huyện khuyến cáo bà con nông dân gieo mạ đúng thời vụ và 100% diện tích mạ được che phủ nilon chống rét. Thời vụ gieo cấy lúa xuân của huyện bắt đầu từ 10/1 đến cuối tháng 2 sẽ kết thúc...