Cái rét làm tê buốt chân tay nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được hương xuân qua những chồi lộc biếc trên cây bàng ngoài ngõ; qua những nụ hoa đào e ấp trong vườn... Âm hưởng của mùa xuân càng rõ nét khi trên đồng, những bãi ngô, khoai đã được thu hoạch, bà con nông dân đang lật xới từng vạt đất để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Với những người nông dân hân hoan đón xuân về trong niềm vui nhưng cũng không quên chăm lo cho công việc đồng áng của năm tới.
Bà Nguyễn Thị Nụ, một người dân ở xã Phú Cường (Đại Từ) tâm sự: Chúng tôi rất vui vì năm 2010, năng suất lúa tăng cao hơn năm trước. Năm 2009, năng suất lúa của gia đình chỉ đạt 1,7 tạ/sào, thì năm qua đã tăng lên 2 tạ/sào. Tuy nhiên, tôi cũng lo lo vì hiện nay, trời ít mưa, giá rét, sương muối...
Chúng tôi hiểu, niềm vui của người nông dân cũng là niềm vui của những cán bộ ngành Nông nghiệp và nỗi lo của bà con cũng là niềm trăn trở của họ. Vẫn biết năm mới nói chuyện mới, nhưng chúng tôi vẫn muốn hoài niệm một chúng về năm cũ. Bởi những ngày đầu xuân năm mới, chúng ta mới có “cơ hội” thoát khỏi vòng xoáy nhộn nhịp của công việc thường nhật để tĩnh tâm chiêm nghiệm lại những việc đã làm được và chưa làm được trong năm. Có thể khẳng định, năm 2010 được xem là năm có nhiều cái nhất trong sản xuất lương thực của tỉnh ta. Vì đây là năm đầu tiên, sản lượng lương thực cây có hạt của tỉnh đạt trên 419 nghìn tấn, tăng 19 nghìn tấn so với kế hoạch và tăng 12 nghìn tấn so với năm 2009. Diện tích gieo cấy lúa lai cũng đạt cao nhất từ trước đến nay, với 7.793ha, chiếm trên 11%; diện tích lúa chất lượng đạt 4.247 ha, diện tích lúa gieo thẳng đạt 14.944 ha...
Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Năm 2010 là năm sản xuất nông nghiệp gặp nhiều bất lợi do hạn hán kéo dài, rầy nâu gây hại trên cây lúa phát triển mạnh trên diện rộng... Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Ngành làm tốt công tác dự thính, dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây trồng; chỉ đạo các địa phương tiết kiệm nguồn nước tưới... nên lĩnh vực nông nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn.
Với những kết quả đã đạt được có thể thấy, sản xuất lương thực của tỉnh đang từng bước phát triển năng động theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới sự phát triển hiệu quả và bền vững. Trong năm vừa qua, toàn tỉnh đã sản xuất thành công 32,8 ha hạt giống lúa lai F. Riêng Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã triển khai được 14 mô hình giống lúa mới, 2 mô hình giống ngô vào sản xuất. Đồng thời, xây dựng các điểm trình diễn mô hình giống lúa lai, lúa thuần chất lượng, giống ngô mới, sản xuất hạt giống lúa lai F1 với tổ hợp VL20 diện tích 10ha đạt năng suất cao, tham gia cung ứng giống lúa phục vụ sản xuất trên địa bàn tỉnh. Nhiều giống mới có chất lượng cao được đưa vào sản xuất như giống SH2, Dưu 600, Thiên nguyên ưu số 9, Đắc ưu 11, giống ngô MB68, DK9901, DK 9955…
Vững vàng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, trong năm 2011, tỉnh ta tiếp tục đặt ra mục tiêu: Tổng sản lượng lương thực có hạt 404 nghìn tấn, trong đó sản lượng lúa đạt 338 nghìn tấn, với diện tích 67.440 ha; sản lượng ngô đạt 66 nghìn tấn.... Theo đó, diện tích cấy lúa lai phấn đất đạt từ 15% diện tích cấy lúa cả năm trở lên. Để khuyến khích người dân đưa các giống lúa lai năng suất, chất lượng vào gieo cấy, UBND tỉnh cũng đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân như: Đối với các giống lúa lai hỗ trợ giá 10 nghìn đồng/sào (với các xã đặc biệt khó khăn là 15 nghìn đồng/sào); hỗ trợ phân kali cũng ở mức như hỗ trợ giá giống… Về cây ngô lai, hỗ trợ giá giống ở mức 4.000 đồng/sào (xã đặc biệt khó khăn là 6.000 đồng/sào)… Trong điều kiện ngày càng chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự bất lợi của thời tiết, nhằm giúp nông dân phát triển sản xuất lương thực, trong thời gian tới tỉnh ta sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây mới, cải tạo, nâng cấp một số công trình thuỷ lợi trọng điểm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chỉ đạo các vụ sản xuất đảm bảo lịch thời vụ. Sử dụng có hiệu quả các nguồn nước để tưới, tiêu chủ động phục vụ sản xuất; thực hiện các biện pháp chống hạn, kiểm tra và tu bổ các công trình thuỷ lợi trước lũ đảm bảo vận hành an toàn...
Về lâu dài, định hướng kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp đến năm 2015 của tỉnh xác định phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Do đó, để sản xuất lương thực mang tính hàng hóa, người nông dân cần đẩy mạnh đầu tư thâm canh chiều sâu; tăng diện tích trồng lúa chất lượng cao để Thái Nguyên ngày càng có thêm những mùa vàng.