Dệt may hướng tới top 3 thế giới về xuất khẩu

09:21, 02/02/2011

“Trong năm 2011, ngành dệt may phải đầu tư để đảm bảo mục tiêu giá trị gia tăng đạt 60% trở lên, tiếp tục duy trì ở top 5 và tiến lên top 3 trên thế giới về xuất khẩu”. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu như vậy tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2011 của ngành dệt may.

Tăng thị phần tại các thị trường lớn

Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), hiện thị phần dệt may Việt Nam chiếm khoảng 2,5% trong tổng thị phần dệt may toàn cầu. Với những dự báo thuận lợi của thị trường, ngành dệt may đặt mục tiêu đạt trên 13 tỷ USD trong năm 2011.
 
Theo Vitas, năm 2011, thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam tại một số thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng. Ông Lê Tiến Trường -Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng: “Đây là 3 thị trường chính, rất quan trọng đối với bất kỳ một nhà xuất khẩu dệt may nào. Năm 2010, Việt Nam là nhà xuất khẩu dệt may đứng thứ 2 vào thị trường Mỹ, đứng thứ 3 ở thị trường Nhật Bản và thị trường châu Âu. Mặc dù ngành Dệt may thế giới giảm sâu 12-15%, nhưng dệt may Việt Nam vẫn duy trì được kim ngạch xuất khẩu không giảm, mà ngược lại còn tăng được thị phần vào cả 3 thị trường này. Điều đó khẳng định, vị thế của dệt may Việt Nam trên thị trường thế giới đã được nâng lên rất nhiều”.
 
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết: Hiện, Mỹ là đối tác lớn nhất của dệt may Việt Nam, chiếm tới 55% sản phẩm dệt may xuất khẩu. Trong năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam đạt gần 11,2 tỷ USD thì xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 22% so với năm 2009. Tập đoàn Dệt may đang tiến hành làm việc với đối tác Mỹ để được xác nhận chất lượng, tiêu chuẩn của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam.
 
Theo dự báo của Vitas, năm 2011, thị phần dệt may của Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng từ 4,6% lên 5,1%. Tại thị trường EU, thị phần cũng sẽ tăng nhẹ lên khoảng 2,02%. Đây là thị trường mà ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn trong năm 2010, nhưng vẫn có tăng trưởng khoảng 14% so với 2009, đạt 1,8 tỷ USD.
 
Dự báo của Vitas cho thấy, trong năm 2011 và một vài năm tới, hàng dệt may Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để gia tăng thị phần tại EU. Bởi các nước sản xuất và xuất khẩu dệt may vào EU hiện đã có sự phân hoá nhất định.
 
Do chi phí lao động tăng cao, các nước Đông Âu, Bắc Phi, chuyên cung cấp hàng cho EU đã không còn duy trì được thị phần như trước đây. Từ năm 2005-2009, tại EU, thị phần của Rumani giảm từ 3,9% xuống 1,9%, Thổ Nhĩ Kỳ từ 7,6% xuống 6,3%. Các nước Tuynidi, Moroco cũng đều bị giảm và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng xuất khẩu vào thị trường này.
 
Xuất khẩu dệt may Việt Nam vào thị trường Nhật năm 2010 đã tăng trưởng 20%, đạt 1,2 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu dệt may vào Nhật đạt trên 1 tỷ USD. Và theo vị Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May Việt Tiến: “Trong đợt công du vừa qua, chúng tôi đã tiếp xúc với 6 tập đoàn lớn của Nhật Bản, hầu hết họ đánh giá Việt Nam là sự lựa chọn thứ hai, sau Trung Quốc”. Vị Tổng giám đốc này cũng cho rằng, nếu các doanh nghiệp Nhật Bản dịch chuyển 20% năng lực mà họ đang đầu tư tại Trung Quốc sang Việt Nam thôi, ngành dệt may phải tăng gấp đôi năng lực hiện có.
 
Dưới tác động của Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do (FTA) ASEAN – Hàn Quốc AKFTA, trong số nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hàn Quốc, dệt may đã có bước phát triển mạnh mẽ.
 
Nhóm hàng này được hưởng lợi tương đối lớn từ các cam kết trong AKFTA với mức thuế trung bình đối với hàng dệt được giảm từ 8% xuống 0%, mức thuế trung bình đối với hàng may được giảm từ 13% xuống 0%. Cùng các nước ASEAN, Việt Nam đã hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do với đề xuất phía Hàn Quốc chấp nhận ưu đãi cho Việt Nam hai công đoạn cắt và may.
 
Ông Lê Văn Đạo, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may khẳng định: Hàng dệt may vào thị trường Hàn Quốc đã tăng trưởng đột biến sau khi có ưu đãi từ AKFTA. Đặc biệt, tăng tới trên 60% trong năm 2010.
 
Trong những năm gần đây, một số đơn vị của Vinatex đã chủ động đưa thương hiệu của dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới như Việt Tiến đã có tổng đại lý tại Lào và Campuchia, tháng 4 tới đây sẽ có tổng đại lý ở Myanmar và Trung Quốc.
 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhìn nhận: “Đây là kết quả của quá trình chúng ta đi từng bước một, từ chuyển dịch cơ cấu giá trị lên giá trị gia tăng cao hơn, chứ không phải ngành dệt may của chúng ta mãi cam chịu làm gia công”.
 
Ổn định đơn hàng sớm
 
Đặc biệt, trong năm 2011, khi nhiều ngành công nghiệp khác còn đang chật vật lo đơn hàng cho năm mới thì nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu đã có đơn hàng đến hết quý 2. Và trong điều kiện thuận lợi này, các doanh nghiệp có nhiều lợi thế trong đàm phán giá cả với khách hàng.
 
Thông tin từ Công ty cổ phần Đồng Tiến (Dovitec) cho biết, đã có hợp đồng sản xuất đến tận tháng 10/2011. Khách hàng của Dovitec năm nay khá đông nên có nhiều sự lựa chọn về giá hơn so với mấy năm trước đây.
 
Phó giám đốc Dovitec Nguyễn Văn Hoàng cho biết, xuất khẩu của Dovitec tập trung ở ba thị trường là châu Âu (chiếm 50%), Mỹ và Nhật. Năm 2011, lượng khách đến từ Nhật nhiều hơn, là cơ hội tốt để công ty mở rộng thị phần ở thị trường này trong thời gian tới. Năm 2010 doanh thu xuất khẩu của Dovitec đạt hơn 300 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2009 và vượt 15% so với kế hoạch năm.
 
Cũng giống Dovitec, Công ty cổ phần may Đồng Nai (Donagamex) đến nay cơ bản cũng đã có hợp đồng sản xuất đến giữa năm 2011.
 
Có thể nói, chưa bao giờ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang có cả thời và thế như hiện nay. Nếu tận dụng tốt điều này, chắc chắn dệt may sẽ nâng cao giá trị gia tăng lên mức cao hơn.
 
Tuy nhiên theo Vitas khuyến cáo, các doanh nghiệp nên ký hợp đồng thỏa thuận dài hạn cho điều khoản năng lực sản xuất và chỉ chốt giá cho các hợp đồng theo từng quý chứ không nên ký dài hạn. Bởi việc lo được hợp đồng sớm, ngoài việc ổn định tâm lý cho người lao động là có việc làm dài hạn, doanh nghiệp ổn định về kế hoạch sản xuất trong năm của mình, còn phải đề phòng trường hợp thị trường biến động, giá thị trường có thể tăng lên.
 
Theo các chuyên gia, sở dĩ các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may có được hợp đồng sớm cho năm 2011 là do các nhà đặt hàng tìm thấy sự tin tưởng về chất lượng tay nghề, giá cả phù hợp cho sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế với tiến độ giao hàng đúng hạn nên các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang được đánh giá rất cao.
 
Nội địa hóa để tăng giá trị mặt hàng
 
Theo đại diện của Vinatex, không phải đợi đến khi có chỉ đạo của Chính phủ thì ngành dệt may mới quan tâm tới vấn đề gia tăng giá trị mặt hàng. Với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ nhiều năm nay vấn đề nội địa hóa được Tập đoàn Dệt May rất coi trọng.
 
Ông Lê Tiến Trường cho biết, đến năm 2010, Tập đoàn đã tỷ lệ nội địa hoá 49%. Dự kiến đến năm 2015, đưa tỉ lệ nội địa hóa dệt may lên 60%, chủ động được bài toán nguyên liệu.
 
Tập trung cho các nhu cầu cốt lõi, Vinatex đã mạnh tay đầu tư cho công nghệ xơ sợi. Cụ thể, tháng 7/2011, sẽ đưa vào vận hành nhà máy sản xuất sơ Đình Vũ (Hải Phòng). Dự kiến đến 2014, ngành sơ sẽ đáp ứng khoảng 60-70% nhu cầu trong nước. Hiện Tập đoàn định hướng và đang tiến hành khảo sát để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất loại xơ pisco- loại xơ có nguồn gốc từ bột cây nguyên liệu giấy (bạch đàn, thông…). Để có nguồn nguyên liệu, hiện Tập đoàn đang xúc tiến dự án trồng rừng tại Lào, tới đây sẽ tiếp tục khảo sát tại Campuchia và Canada để trồng rừng làm nguyên liệu cho sản xuất sơ pisco.
 
Đối với thị trường trong nước, ông Lê Tiến Trường khẳng định: “Ngay từ những năm đầu thành lập Tập đoàn (khi đó gọi là Tổng công ty), dệt may Việt Nam đã khẳng định chiến lược phát triển là đi bằng cả “2 chân”, cả nội địa và xuất khẩu. Xuất khẩu thuận lợi thì đẩy mạnh hơn, nhưng không quên nội địa. Chúng tôi có chiến lược riêng cho thị trường nội địa, chiến lược về xây dựng thương hiệu, xây dựng chuỗi cửa hàng, siêu thị tập trung để quảng bá và tiêu thụ nội địa...”. Định hướng chiến lược sản xuất các sản phẩm cao cấp, tới đây, tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất Veston ở miền Bắc và miền Trung để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.