Hiệu quả bước đầu của Dự án nuôi ong mật ở T.X Sông Công

14:43, 08/02/2011

Những năm qua, diện tích đất nông nghiệp của T.X Sông Công ngày càng bị thu hẹp để nhường chỗ do phát triển đô thị và công nghiệp. Do đó, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người nông dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Dự án “Triển khai nhân rộng mô hình ứng dụng KHKT nuôi ong mật trên địa bàn thị xã” do Phòng Kinh tế thị xã xây dựng đã bước đầu đáp ứng được đòi hỏi này.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Thái, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Dự án được triển khai ở 2 xã Bá Xuyên và Bình Sơn, với mục tiêu là khai thác hiệu quả phần diện tích đất vườn tạp và đất lâm nghiệp để phát triển đàn ong với quy mô từ 5-10 đàn/hộ, giải quyết việc làm tại chỗ cho người nông dân, phấn đấu thu nhập thêm cho mỗi hộ từ 5 triệu đồng/năm trở lên, tạo ra mô hình chuyển dịch cơ cấu vật nuôi hiệu quả. Để Dự án đạt hiệu quả, Ban chủ nhiệm Dự án đã phối hợp với xã Bình Sơn, Bá Xuyên tiến hành điều tra, khảo sát thực tế tại 200 hộ có nguyện vọng và điều kiện tham gia. Các hộ khảo sát nằm trong vùng có nhiều cây ăn quả - nguồn thức ăn chủ yếu để ong sinh sản và lấy mật. Qua khảo sát đã chọn được 50 hộ dân tham gia. Những hộ này ngoài được đi tham quan học tập kinh nghiệm chăn nuôi ong tại huyện Định Hoá còn được tập huấn để nắm chắc quy trình kỹ thuật nuôi ong mật. Qua đó, các hộ hiểu rõ những đặc điểm sinh học, tập quán của ong mật, cách đặt vị trí thùng ong, chuẩn bị dụng cụ và những bệnh thường gặp, cách tạo ong chúa, chia đàn… Dự án đã cung cấp 300 đàn ong cho 50 hộ, trong đó, hỗ trợ 60% tiền giống và 40% vật tư chăm sóc theo định mức kỹ thuật. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là hơn 250 triệu nghìn đồng, trong đó, kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ của tỉnh hỗ trợ là 136 triệu đồng, số còn lại của các hộ dân tham gia.

 

Dự án được triển khai trong 1 năm, bắt đầu từ tháng 1/2010. Qua theo dõi của cán bộ kỹ thuật cho thấy, đàn ong phát triển mạnh, tốc độ duy trì đàn tốt, đặc biệt từ thời điểm tháng 2 trở đi vì đây là thời điểm đàn ong đã ổn định và có nhiều nguồn thức ăn do các loại cây ăn quả bắt đầu ra hoa. Sau 2 tháng nuôi, nhiều hộ đã nhân được hơn 65% số đàn ong của mình. Điều đáng mừng là chỉ sau 30 ngày nhận đàn ong về nuôi, các hộ đã có thể khai thác mật lần đầu với số lượng trung bình 1,02-1,03kg mật/đàn. Tính đến thời điểm ngày 30/9/2010, các hộ đã khai thác được bình quân 5,2 đến 5,34 lần, với tổng số lượng mật của 50 hộ là 2.631 kg. Hạch toán trừ chi phí thức ăn bổ sung (đường), nhân công lao động, dụng cụ, chuồng trại lãi bình quân mỗi đàn ong nuôi chu kỳ 1 năm đạt hơn 1,1 triệu đồng; thu nhập quân mỗi hộ tham gia dự án trong 1 năm đạt khoảng gần 6,9 triệu đồng, lãi bình quân trên 4,3 triệu đồng. Hiện, đã có 28 hộ nâng quy mô nuôi trên dưới 10 đàn/hộ.

 

Cũng do được tập huấn cẩn thận về quy trình kỹ thuật nên số đàn ong phát triển nhanh, ít bệnh, số bị chết do thối ấu trùng tuổi nhỏ trong giai đoạn 2 tháng đầu ít (3 đàn). Thông qua Dự án đã giúp người dân thay đổi cơ bản về nhận thức trong chăn nuôi, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động tại địa phương. Mô hình này được đánh giá cao vì nó phù hợp với thực tế sản xuất của địa phương. Ngay sau khi kết thúc Dự án, đã có 260 đàn ong được các hộ dân tự sản xuất bằng phương pháp chia tách đàn. Dự án đã mở ra hướng phát triển mới cho người dân trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực xây dựng, công tác quản lý và điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và chính quyền ở cơ sở.

 

Hiện nay, Phòng Kinh tế T.X Sông Công đang khuyến cáo và tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi ong mật theo quy mô trang trại từ 10-15 đàn/hộ ở những vùng có điều kiện, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.