Kiểm định giống để bảo vệ lợi ích người trồng chè

10:14, 16/02/2011

Là một trong những vựa chè lớn của cả nước, Thái Nguyên được biết đến bởi có sản phẩm chè ngon và là nơi có năng suất chè đạt cao nhất trong toàn quốc. Đến nay, năng suất chè của tỉnh đã đạt gần 108tạ/ha (tăng hơn 40 tạ/ha so với năm 2005). Theo đồng chí Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, có được kết quả này, ngoài việc người dân chăm bón, đầu tư thâm canh chè đúng kỹ thuật thì việc chuyển đổi giống chè cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản giúp năng suất chè của tỉnh tăng cao.

 

Theo số liệu do Sở Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2005 đến nay, trung bình mỗi năm, tỉnh trồng mới, trồng lại được khoảng 600ha chè, riêng năm 2010, mặc dù thiếu giống chè nhưng nông dân toàn tỉnh vẫn trồng mới, trồng lại được trên 700 ha chè. Các giống được đưa vào trồng chủ yếu là LDP1, TRI 777, Kim Tuyên, Phúc Vân Tuyên. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Muốn cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao thì giống chè phải bảo đảm. Do đó, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm luôn làm tốt công tác kiểm định giống chè.

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 43 chủ vườn ươm. Trung bình, mỗi năm, các vườn ươm trồng được khoảng 14-15 triệu hom giống. Trong đó, các huyện có nhiều vườn ươm là Đồng Hỷ (12 vườn), Đại Từ (11 vườn), Phú Lương (7 vườn), Định Hóa (6 vườn). Theo đó, cơ cấu giống chè trong nước như LDP1 được sản xuất tập trung tại các vườn ươm ở Định Hóa, Đồng Hỷ, Võ Nhai; TRI 777 tập trung ở Định Hóa và T.P Thái Nguyên. Các giống chè nhập nội gồm: Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên, Bát Tiên sản xuất nhiều ở Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, Phổ Yên, T.P Thái Nguyên; Keo Am Tích được sản xuất chủ yếu ở Đại Từ. Các giống nhập nội luôn có tỷ lệ sống cao, trung bình đạt 95-98% trong tổng số hom giống được trồng tại các vườn ươm. Các hộ sản xuất nhiều hom giống nhất phải kể đến là ông Nguyễn Mạnh Hằng, xã Tiên Hội (Đại Từ), trung bình trồng khoảng trên 130 vạn hom mỗi năm; ông Trần Văn Đông, xã Tiên Hội (Đại Từ ): trên 110 vạn hom/năm; Tống Sỹ Tuân, xã Sơn Phú (Định Hóa): 95 vạn hom/năm; Phạm Hoài Thanh, xã Động Đạt (Phú Lương): 70 vạn hom/năm…

 

Sau 2 năm (2009 và 2010) thực hiện hoạt động kiểm định, giám sát và cấp giấy chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn giống chè, cho thấy, công tác này vẫn còn gặp không ít khó khăn như: một số chủ vườn ươm nhỏ lẻ chưa đăng ký chứng nhận chất lượng; chưa đủ điều kiện sản xuất giống cây công nghiệp do chưa có giấy chứng nhận đăng ký sản xuất, kinh doanh lĩnh vực giống cây trồng (trừ huyện Phú Lương, Phổ Yên)… Đặc biệt, một số chủ vườn ươm chưa thực hiện tốt trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất giống theo quy định cụ thể là chi trả phí chứng nhận chất lượng… Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông các huyện, thành, thị tiến hành kiểm định giống thành từng đợt (đợt 1 tiến hành vào khoảng tháng 3, đợt 2 vào khoảng tháng 8 hằng năm); tuyên truyền, vận động để các chủ vườn ươm hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Nhờ vậy, trong năm 2010, Trung tâm đã tiến hành kiểm định với số cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn là trên 874 nghìn cây, đạt 58,5% so với tổng lượng hom trồng. Địa phương có tỷ lệ giống xuất vườn cao nhất là Đồng Hỷ, Đại Từ, thấp nhất là Võ Nhai, Phú Lương. Chủ vườn ươm có lượng cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn nhiều nhất là ông Nguyễn Mạnh Hằng và Trần Văn Đông. Cũng qua kiểm định cho thấy, các hom giống đều có nguồn gốc rõ ràng, được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền công nhận.

 

Giai đoạn 2010-2015, tỉnh ta tiếp tục chuyển đổi những diện tích chè trung du già cỗi sang trồng các giống chè cành năng suất, chất lượng. Trung bình mỗi năm, tỉnh ta phấn đấu trồng mới, trồng lại 1.000ha. Do đó, nhu cầu giống chè trong nhân dân rất lớn, lên đến 18-20 triệu cây. Để phục vụ đủ nhu cầu của người dân, ngoài những nỗ lực của các chủ vườn ươm như đầu tư kinh phí mở rộng diện tích vườn ươm; sản xuất cây giống đảm bảo kỹ thuật làm bầu, cắm hom, chăm sóc, làm cỏ, bón phân, đảo bầu, chỉnh ánh sáng, luyện cây con, quản lý sâu bệnh… thì Trung tâm cũng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, kiểm định và cấp giấy chứng nhận chất lượng giống chè với các hoạt động như: kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hom giống và các giấy tờ liên quan; đánh giá tỷ lệ cây sống, tỷ lệ độ đồng đều, tính khác biệt và tình hình sâu bệnh hại; kiểm tra, đánh giá tỷ lệ cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn và cấp giấy chứng nhận chất lượng phù hợp tiêu chuẩn.

 

Để công tác kiểm định giống chè nói riêng, giống cây trồng trên địa bàn tỉnh nói chung đi vào nền nếp, Ông Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị: Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thành, thị tăng cần cường công tác quản lý chất lượng giống cây trồng, đặc biệt là giống chè nhằm tạo ra môi trường kinh doanh công bằng đối với các chủ vườn ươm trên địa bàn, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích cho người sử dụng. Về phía các chủ vườn ươm cần duy trì hơn nữa việc chấp hành đăng ký và nộp phí kiểm định theo quy định.