Chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Dự án Tabmis

14:01, 04/03/2011

TNĐT- Dự án Tabmis được triển khai từ năm 2006 gồm nhiều giai đoạn. Hiện, dự án đang đi vào giai đoạn triển khai, dự kiến thực hiện gần 1.500 điểm trên toàn quốc. Theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai đợt cuối cùng (cùng với T.P Hồ Chí Minh) vào khoảng quý II-2011. Để hiểu thêm về Dự án này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên (KBNNTN) về công tác chuẩn bị để triển khai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 

Phóng viên: Đồng chí có thể cho bạn đọc biết rõ hơn về Dự án Tabmis? Nếu triển khai thì những đơn vị nào phải thực hiện?

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến: Tabmis là một cấu phần quan trọng nhất trong Dự án cải cách quản lý tài chính công của Chính phủ Việt Nam. Mục tiêu của Dự án này là: Xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc tích hợp hiệu quả trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN); kết nối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ sử dụng ngân sách, cơ quan tài chính các cấp (Trung ương và địa phương). Trong tương lai, Tabmis sẽ được kết nối đến các đơn vị sử dụng ngân sách tạo điều kiện phát huy hết hiệu quả của một hệ thống quản lý tích hợp với các quy trình ngân sách khép kín, tự động, thông tin quản lý tập trung, cung cấp báo cáo đầy đủ, toàn diện, kịp thời và minh bạch. Các chức năng Tabmis thực hiện gồm 6 phân hệ chính như (phân hệ sổ cái; phân hệ phân bổ ngân sách; phân hệ quản lý cam kết chi; phân hệ quản lý thanh toán; phân hệ quản lý thu ngân sách; phân hệ quản lý ngân quỹ).

 

Về công nghệ, Tabmis là hệ thống quản lý tập trung, các đơn vị tham gia hệ thống sẽ được phân quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu chung tại Trung ương thông qua giao diện web; khi triển khai Tabmis sẽ tác động sâu, rộng đến tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của các đơn vị tham gia hệ thống, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các công việc từ ban hành cơ chế chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông, sắp xếp tổ chức bộ máy và chuẩn bị nguồn nhân lực... của các cơ quan có liên quan đến NSNN.

 

Phóng viên: Đồng chí cho biết Dự án đang được triển khai đến đâu? Lộ trình của dự án trong năm 2011 tại tỉnh Thái Nguyên như thế nào?

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến: Dự án chính thức bắt đầu từ ngày 17-4- 2006, gồm nhiều giai đoạn: Giai đoạn phân tích; giai đoạn thiết kế và xây dựng; giai đoạn tích hợp; giai đoạn triển khai - các công việc hỗ trợ và bảo trì. Hiện, Dự án Tabmis đang đi vào giai đoạn triển khai, dự kiến được triển khai ở khoảng 1.500 điểm trên toàn quốc: ở Bộ Tài chính, hệ thống KBNN, cơ quan tài chính các cấp tỉnh, huyện và một số đơn vị dự toán cấp I, II, đơn vị sử dụng ngân sách. Thời gian triển khai từ năm 2009-2011. Hiện đang triển khai diện rộng theo từng đợt, mỗi đợt gồm một số địa phương. Theo kế hoạch, tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai đợt cuối cùng (cùng với T.P Hồ Chí Minh), vào khoảng quý II - 2011.

 

Để triển khai dự án, KBNN Thái Nguyên đã và đang phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị các điều kiện về vật chất (hạ tầng truyền thông, thiết bị công nghệ, các chương trình ứng dụng...); đào tạo nguồn nhân lực (trong tháng 3-2011 sẽ tổ chức khoảng 7 lớp tập huấn cho 140 cán bộ thuộc ngành Kho bạc và tài chính địa phương). Bên cạnh đó, sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát làm sạch dữ liệu, triển khai cơ chế quản lý tài chính áp dụng trong điều kiện chuyển đổi sang Tabmis, tăng cường thông tin tuyên truyền... sẵn sàng cho triển khai Dự án theo lộ trình.

 

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết, chủ trương tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt và việc thực hiện thu thuế qua ngân hàng có nằm trong nội dung dự án này không?

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến: Thực hiện Quyết định số 291 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án không dùng tiền mặt và Chỉ thị số 20 về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN), các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, KBNNTN đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện tốt chủ trương này. Đến hết tháng 2-2011, đã có có 672/1.277 đơn vị trong toàn tỉnh thực hiện thanh toán chi cá nhân qua ATM. Đây là một nội dung gián tiếp có liên quan đến triển khai Dự án Tabmis, góp phần tích cực trong cải cách quản lý tài chính công. Việc thu thuế qua ngân hàng cũng là một nội dung trong Dự án hiện đại hóa thu NSNN, tạo tiền đề cho triển khai Dự án Tabmis. Hiện tại, tỉnh đã ủy nhiệm thu cho Ngân hàng cổ phần Thương mại Công thương Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên thu thuế trên địa bàn T.P Thái Nguyên; việc ủy nhiệm thu cho các ngân hàng thương mại sẽ được tiếp tục mở rộng triển khai từ tháng 4-2011.

Phóng viên: Theo đồng chí, để triển khai Dự án thuận lợi, các cấp, các ngành, người dân cần phải làm gì?

 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tiến: Do Tabmis là cấu phần quan trọng trong Dự án cải cách tài chính công của Chính phủ, khi đưa vào hoạt động sẽ làm thay đổi có tính chất  “cách mạng” trong quản lý NSNN và tác động sâu rộng đến các cơ quan quản lý NSNN và các đối tượng có quan hệ với NSNN. Việc triển khai trên diện rộng sẽ rất phức tạp, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều khâu: Thứ nhất, về cơ chế chính sách: phải cải cách cơ chế quản lý tài chính công, đặc biệt là các cơ chế quản lý tài chính - ngân sách. Việc cải cách các chính sách một mặt sẽ làm tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý và khả năng hội nhập về quản lý tài chính công. Mặt khác, sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện dự án được thành công và đạt được mục tiêu đề ra.

 

Thứ hai, về công nghệ: Sẽ phải xây dựng hạ tầng truyền thông đủ đáp ứng yêu cầu không chỉ của Tabmis mà còn các ứng dụng khác của tài chính, thuế, hải quan; KBNN sẽ phải nâng cấp các ứng dụng hiện tại để tương thích và giao diện với hệ thống mới. Thứ ba, về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực: Tổ chức bộ máy các đơn vị tham gia Tabmis, đặc biệt là hệ thống KBNN sẽ phải thay đổi cho phù hợp (vì có tới 90% khối lượng công việc thực hiện ở kho bạc). Tabmis yêu cầu một đội ngũ cán bộ chất lượng cao: có kiến thức quản lý tài chính công tiên tiến; có năng lực quản lý, điều hành ngân sách và hoạt động KBNN theo chuẩn mực và thông lệ Quốc tế; có khả năng sử dụng, vận hành hệ thống thông tin hiện đại. Công nghệ quản lý mới đặt ra trách nhiệm của các cá nhân tham gia hệ thống phải được đề cao (từ thủ trưởng đơn vị đến kế toán trưởng, kế toán viên,...). Mặt khác, hệ thống xử lý tập trung đòi hỏi việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý công việc cũng như các quy trình nghiệp vụ như việc đóng sổ, khóa sổ, khai báo các giá trị của tài khoản,…

 

Tham gia vào Tabmis không chỉ có hệ thống KBNN mà còn có cơ quan Tài chính, các Bộ, ngành chủ quản và hướng tới cả các đơn vị sử dụng NSNN... Do đó, để việc triển khai Dự án Tabmis một cách suôn sẻ và hiệu quả cần phải có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm cao của các cơ quan khai thác sử dụng chính (cơ quan KBNN, Tài chính...) sự quan tâm ủng hộ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ của các cơ quan và các đối tượng có liên quan (đơn vị sử dụng NSNN, cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng, các đối tượng nộp thuế và các đối tượng khác có quan hệ với NSNN...). Trước mắt, phải làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, tư duy trong quản lý tài chính Nhà nước của các cấp, các ngành: sẵn sàng chấp nhận đổi mới, cải cách tư duy quản lý, thay đổi thói quen làm việc cũ, tích cực học hỏi và lôi cuốn các đối tượng liên quan cùng tham gia. Tuân thủ chính xác các thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Gắn liền với định hướng cải cách về thể chế, chính sách và công nghệ quản lý là cải cách về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Tổ chức đào tạo cán bộ một cách bài bản về các chế độ chính sách mới, kỹ năng thực hành trên máy tính; đào tạo nâng cao kiến thức về an ninh, an toàn dữ liệu, mạng... để sẵn sàng tiếp nhận hệ thống mới. 

 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!