Mùa con ong lấy mật

07:46, 04/03/2011

19 hộ nuôi ong, với khoảng hơn 200 đàn, mỗi đàn 1 năm cho thu hoạch từ 12 đến 15 lít mật. Như thế, người dân xóm Làng Lê, xã Động Đạt (Phú Lương) cung cấp cho người tiêu dùng khoảng 2.500 lít mật ong/năm, tương đương với số tiền 250 triệu đồng. Hiện nuôi ong đang từng bước trở thành nghề chính của nhiều hộ dân Làng Lê.

 

Tháng Ba, trên nương đồi, trong vườn nhà, ngoài đồng làng… ở đâu cũng rực rỡ sắc hoa. Giữa hương thơm dìu dặt của đất trời, trong khắc giây nhàn tản, tôi chợt nhận ra những chú ong đang vo ve bên từng đoá hoa tìm mật. Ngắm nhìn từng chú ong mê mải rung cánh, chân bới tìm kiếm những tinh khiết của đất trời để làm nên giọt mật dâng tặng cho con người, bất chợt tôi nghĩ về người nuôi ong, cùng đàn ong theo những mùa hoa… Như đọc được suy nghĩ của tôi, Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn huyện Phú Lương, anh Nông Văn Thịnh bảo: Từ lâu, nuôi ong lấy mật đã là nghề của không ít nông dân trong huyện, nhưng vùng quê có nhiều hộ nuôi ong chuyên nghiệp và nuôi ong lấy mật thì phải kể tới xóm Làng Lê, xã Động Đạt.

 

Nghe anh rủ rỉ nói về nghề nuôi ong, tôi cảm nhận như mình đang "ăn mật bằng tai", nên muốn ngay lập tức về Làng Lê để gặp chủ nhân của những đàn ong cần mẫn kia. Rất may, anh Hà Huy Hiệu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện tự nguyện làm người dẫn đường. Tuy là địa bàn tiếp giáp với thị trấn huyện, song đường về Làng Lê còn gập gồ đất đá, nhà dân nép bên đồi, ẩn dưới bóng rừng keo, vườn vải, nhãn… Từ một gốc cây vải nở dày hoa, ông Nguyễn Ngọc Nga, 64 tuổi đang hí húi xem lại từng cầu ong. Ông bảo: Ong là giống ưa nịnh, nên khi "làm việc với ong", mình phải nhẹ nhàng, không để có con ong nào bị chết, như thế mình cũng không bị ong đốt.

 

Nhìn ông Nga đứng giữa bầy ong, tôi cảm nhận như ông và bầy ong có cách nói chuyện riêng, nên ông cứ thản nhiên dùng tay bốc ong để xem chúng có "mệnh hệ" gì sau cả mùa đông dài giá rét. Phải rồi, đợt rét đậm, rét hại hồi tháng 1 năm nay đã làm nhiều đàn ong của bà con Làng Lê bị chết. Không có cơ quan, đơn vị chức năng nào thống kê về thiệt hại của nghề nuôi ong, nhưng khi trò chuyện với bà con ở đây, chúng tôi ước đoán có gần trăm đàn ong bị mất dấu. Như gia đình anh Bạch Đình Thiêm, từ 70 đàn ong, nay còn 40 đàn; gia đình bà Bùi Thị Hữu, nuôi 7 đàn ong, kiểm lại thấy "quân số" các đàn ít quá, nên gia đình bà phải ghép lại còn 6 đàn, một số hộ còn thùng nhưng… hết ong. Tại thời điểm này, Làng Lê có 19/141 hộ nuôi ong. Hộ nhiều có hơn bốn mươi tổ, hộ ít nuôi dăm, ba tổ lấy mật sử dụng hằng ngày.

Ngồi trong nhà ông Nga, một trong những hộ có kinh nghiệm nuôi ong của Làng Lê, nghe bà con trò chuyện chúng tôi mới biết được nghề nuôi ong cũng lắm thăng trầm. Trong làng, có những gia đình nuôi ong từ hàng chục năm nay, điển hình như gia đình ông Bạch Đình Duấn.

 

Trước đây, các hộ nuôi ong chủ yếu bằng kinh nghiệm đúc kết, nên nhiều lúc thấy đàn ong mất chúa, chịu bó tay nhìn đàn ong chết dần, hoặc khi thấy ong bốc đàn (chia đàn) cũng chỉ biết nhìn theo chúng bay đi… Nhưng với nhiều người dân Làng Lê, con ong mật vẫn luôn là người bạn tốt, vì thế nghề nuôi ong được nhiều hộ gia đình gìn giữ. Anh Bạch Đình Thiêm là thế hệ thứ 2 của dòng họ Bạch Đình sinh sống bằng nghề nuôi ong lấy mật. Anh cho biết: Từ lúc mới lẫm chẫm tập đi, tôi đã theo bố ra vườn xem những con ong bò vào, bò ra ở cửa tổ. Năm 15 tuổi, được bố cho 15 đàn ong làm vốn, kể từ đó tôi sống bằng nghề nuôi ong lấy mật. Vừa lấy mật, vừa nhân đàn, mỗi năm thêm vài tổ, riêng năm 2010 vừa qua, 70 tổ ong của tôi đã cho gần 1.000 lít mật, tôi dành vài chục lít mật biếu lại các chủ vườn cho đặt nhờ ong và biếu người bà con thân thích. Dự kiến năm nay, tôi nhân thêm 40 đàn, nâng tổng số đàn ở hơn 70 tổ, phấn đấu thu hoạch đạt lượng mật khoảng 1.400 lít. 

 

Tuy mới 27 tuổi, nhưng Thiêm được người nuôi ong ở Làng Lê gọi là quân sư. Tuy bận rộn với đàn ong của mình, nhưng anh luôn sẵn lòng hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nuôi ong khác về kinh nghiệm, kỹ thuật lấy mật ong, nhân đàn. Để việc nuôi ong thu được hiệu quả cao, anh mang những đàn ong của mình đến nhà người quen ở các xã Yên Lạc, Yên Đổ, Tức Tranh, nơi có nhiều vườn cây ăn quả, vườn rừng để nhờ. Theo cách làm của Thiêm, anh Nguyễn Mạnh Liên cũng đến các xã lân cận để cho ong "ở trọ". Anh Liên bộc bạch: Nhà tôi đất đai nhiều, khoảng gần 10.000 m2 chè, 3 sào ruộng cấy 2 vụ, nhưng thấy một số hộ trong xóm nuôi ong cho hiệu quả kinh tế cao, vốn đầu tư chẳng đáng bao nhiêu, năm 2008 tuy chưa có kinh nghiệm nuôi ong, song tôi cũng bạo tay bảo vợ xuất 700 nghìn đồng để mua về 2 tổ ong. Năm đó vợ chồng tôi thu được khoảng 24 lít mật ong. Vừa nuôi, vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật của người đi trước, năm 2010 tôi có 15 đàn ong, thu được khoảng 180 lít mật. Tôi đang có dự kiến sẽ nhân thêm 10 đàn ong nữa trong năm nay.

 

Trở lại vườn cây ăn quả của gia đình ông Nga, nhìn những chú ong mê mải "trên đường bay" tìm mật, chúng tôi biết gần đây các hộ nuôi ong của Làng Lê đã tự tin hơn với nghề này. Bởi bà con vừa được tham gia 1 lớp tập huấn dài 3 tháng (từ tháng 11-2010 đến tháng 2-2011) do Trung tâm dạy nghề và Chuyển giao công nghệ VAC VINA - Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam tổ chức. Ông Nga là học viên cao tuổi nhất. Ông bảo: Tôi gắn bó với con ong mật từ hơn 20 năm nay, có lúc nuôi được 20 đàn, còn như bây giờ chỉ còn 6 đàn. Vừa rồi nhờ được tham gia lớp tập huấn nuôi ong, tôi cũng như các hộ nuôi ong ở Làng Lê hiểu biết được đầy đủ hơn về kỹ thuật nuôi ong. Đặc biệt là kỹ thuật tạo ra ong chúa để nhân thêm đàn ong… Ông Nga nói về nghề nuôi ong cứ say như thứ mật ngọt ngào. Và tận khi ấy, ông Hà Huy Hiệu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện mới cho tôi biết thêm thông tin: Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nga là một trong những địa chỉ điển hình về mô hình kinh tế VAC của Hội, nhiều nông dân trong vùng đã tìm về đây học tập. Các phái đoàn từ Philippin, Lào, Campuchia, Hà Lan, Úc… cũng được Hội Nông dân đưa đến thăm, nghiên cứu về mô hình kinh tế của gia đình ông Nga, vậy. Nhiều hộ nuôi ong bị mất chúa, ông Nga đã tạo ra ong chúa từ đàn ong của mình mang tặng.