“Nóng” lên thị trường thép

08:14, 03/03/2011

So với năm 2010, thì những tháng đầu năm 2011 giá thép liên tục tăng, khiến thị trường thép càng thêm “nóng”. Việc giá thép “nhích” lên từng ngày nguyên nhân từ đâu, ai sẽ được hưởng lợi và thời gian tới giá thép sẽ ở “đỉnh” nào? Và trước những biến động tăng đó, một số doanh nghiệp đang “nghe ngóng”, găm hàng chờ giá lên tiếp. Tuy nhiên, họ cũng không quá mạo hiểm vì “già néo” sẽ “đứt dây”.  

Giá thép tăng do đâu?

 

Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều người, trong đó có cả người sản xuất lẫn người làm thương mại, tất cả đều có nhận định chung: Thứ nhất, nguyên nhân tăng giá thép do chi phí phôi thép chiếm khoảng 85-90% giá thành, phôi thép nhập khẩu chiếm tỷ trọng trên 50%, lượng phôi thép sản xuất trong nước cũng bị phụ thuộc vào thép phế liệu nhập khẩu, do đó giá bán các mặt hàng thép trong nước phụ thuộc rất lớn vào sự biến động của giá phôi, giá thép phế liệu trên thế giới. Thứ hai, biến động về tỷ giá ngoại tệ tăng cao so với Việt Nam đồng, đặc biệt là đô la Mỹ, nên ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên nhiên liệu đầu vào. Thứ ba, lãi suất ngân hàng tăng cao, hiện nay phổ biến ở mức 18%/năm. Điều này cũng ảnh hưởng khá lớn đến vốn lưu động doanh nghiệp sản xuất thép. Thứ tư, giá điện tăng 15,28% từ tháng 3, trong khi đó giá điện chiếm khoảng 10% trong cơ cấu giá thành. Thứ năm, giá xăng dầu tăng, kéo theo chi phí tăng, nên khi Chính phủ tăng giá xăng dầu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành thép. Hiện nay, theo tính toán của các nhà sản xuất thì đối với một nhà máy thép hiện đại khi cán thép sẽ tiêu hao 30 lít dầu/tấn sản phẩm… Cộng tất cả  những yếu tố trên, nên các nhà sản xuất “đành” đẩy giá thép lên để bù đắp các chi phí tăng cao.

Ai được hưởng lợi từ việc tăng giá?

 

Trong những ngày này, trên thị trường Thái Nguyên đâu đâu cũng bàn tán về chuyện thép tăng giá và cứ đà tăng giá như thế này thì nhiều người sẽ có bạc tỷ sau mỗi đêm thức dậy. Mới nhất, vào 10 giờ ngày 1-3, hầu hết các sản phẩm thép của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) lại tiếp tục tăng giá: Thép cuộn CT3 d6-T, d8-T giá bán thanh toán ngay là 16.100.000 đồng/tấn (chưa có VAT), thanh toán chậm sẽ cao hơn 215.000 đồng/tấn; thép vằn SD390, SD490 phi từ 13-40 giá bán thanh toán ngay là 16.300.000 đồng/tấn (chưa có VAT), thanh toán chậm sẽ cao hơn 215.000 đồng/tấn…

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi TISCO tăng giá thì trên thị trường giá thép đã đồng loạt tăng. Ông Lê Văn Tứ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kim khí Thương mại Quỳnh Minh cho biết: “Người làm kinh doanh phải nhanh thế mới được, chứ đợi các nhà sản xuất tăng giá rồi mình mới tăng thì sẽ chậm chân. Việc TISCO tăng giá lại càng tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp làm thương mại có lượng dự trữ lớn và có đơn đặt hàng trước đó. Vì thế, các doanh nghiệp sẵn sàng bán ra thấp hơn so giá của TISCO nhưng vẫn có lãi. Hiện nay, Công ty chúng tôi đang bán thấp hơn 200 đồng/kg, qua đó tiền vốn luôn chuyển nhanh hơn, doanh số bán hàng tăng lên và sẽ kiếm lời nhiều hơn…”

 

Có mặt tại Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng - một trong những đơn vị kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam, chúng tôi càng nhận thấy rõ hơn thuận lợi của những người làm thương mại trong thời điểm “nhạy cảm” này. Công ty thường xuyên có lượng hàng tồn từ 3-4 vạn tấn thép trong kho và hàng vạn tấn theo đơn đặt hàng trước đó với TISCO. Và nếu giá cứ “nhích” lên từng ngày thì tiền chênh lệch do trượt giá đem lại sẽ là nhiều tỷ đồng. Và Công ty càng có điều kiện bán ra rẻ hơn so với TISCO, thậm chí từ 300 đến 500 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, Công ty đã bán ra trên 100 nghìn tấn thép, tăng 125% so với cùng kỳ.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông  Trần Văn Khâm, Chủ tịch HĐQT-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên cho biết: “Trong sản xuất rất cần sự ổn định về giá. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là việc hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì phải chấp nhận cuộc chơi và đây cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất, kinh doanh. Thời điểm này, chúng tôi xác định sẽ có những thuận lợi và khó khăn đan xen, tuy nhiên vấn đề phải biết chọn lọc, vượt khó để hoàn thành mục tiêu trong năm 2011 lãi 310 tỷ đồng (tăng 28 tỷ so với năm 2010) và trả cổ tức 12%/năm cho cổ đông. Theo kế hoạch năm 2011, Công ty sẽ sản xuất 630 nghìn tấn thép, 220 nghìn tấn gang và 380 nghìn tấn phôi. Trong 2 tháng đầu năm, Công ty đã sản xuất đạt gần 110 nghìn tấn thép cán, 65 nghìn tấn phôi, 38 nghìn tấn gang, doanh số bán hàng đạt trên 800 tỷ đồng…”

 

Liệu giá còn tiếp tục tăng?

 

Giá thép còn tăng hay không là vấn đề được nhiều người quan tâm. Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Vinh (Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng) thì: “Hiện nay, mức giá đang ở đỉnh cao, nhưng trong tháng 3 giá vẫn tiếp tục lên và sau đó có hướng giảm nhẹ trong tháng 4”. Còn với nhận định của ông Trần Văn Khâm cũng không nằm ngoài việc giá tiếp tục tăng. Ông khẳng định: “Trước biến động tăng của các nguyên nhiên liệu đầu vào như hiện nay thì giá thành sản phẩm sẽ phải tăng lên và giá bán cũng phải tăng theo. Trong 10 tháng còn lại của năm 2011, tổng cộng các loại chi phí nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng thêm của toàn Công ty là 140 tỷ đồng. Số chi phí này phải cộng vào giá thành và theo đó giá thép tiếp tục tăng trong thời gian tới là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, theo quy luật nhiều năm thì giá sẽ tăng trong vòng 2 đến 3 tháng, sau đó chững lại, thậm chí giảm nhẹ rồi lại tiếp tục tăng…”

 

Sau những ngày tìm hiểu về tình hình sản xuất, kinh doanh thép thời kỳ giá liên tục tăng này, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp bỏ túi hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng, nhưng đó phải là những doanh nghiệp có dự báo tốt về thị trường, có chiến lược kinh doanh và có tiềm lực tài chính. Và trước những biến động tăng đó, một số doanh nghiệp đang “nghe ngóng”, găm hàng chờ giá lên tiếp. Tuy nhiên, họ cũng không quá mạo hiểm vì “già néo” sẽ “đứt dây”.