Bảo vệ đàn vật nuôi mùa nắng nóng

08:13, 16/05/2012

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, năm nay, do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết có những thay đổi phức tạp, nhiều đợt nắng nóng kéo dài và diễn ra gay gắt nên sẽ ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi.

Trên địa bàn Thái Nguyên, những ngày cuối tháng 4, cúm gia cầm đã xảy ra trên đàn gà thương phẩm gồm 2.500 con của gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, xóm Thành, xã Đông Cao (Phổ Yên). Ngay sau đó, lực lượng Thú y đã có mặt và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời như: tiêu hủy toàn bộ đàn gà, thức ăn thừa, chất độn chuồng; tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi, hố chôn gia cầm, đường làng, ngõ xóm, vùng có nguy cơ cao bằng hóa chất và vôi bột; thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng ,tránh dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ…

 

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục Trưởng Chi cục Thú y cho biết: Đến nay, ổ dịch cúm gia cầm trên đã qua 17 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới. Dịch xảy ra là do đàn gia cầm nuôi theo phương thức bán chăn thả, thời gian để trống chuồng giữa các lứa chưa đảm bảo quy định, chăn nuôi nhiều lứa gà cùng một thời điểm, điều kiện vệ sinh chuồng trại kém, chưa tiêm phòng vắc - xin cúm. Tuy nhiên một nguyên nhân nữa khiến đàn gà mắc bệnh là do thời tiết nắng nóng kéo dài trong khoảng thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5.

 

Theo nhận định của ngành Nông nghiệp, trong điều kiện thời tiết lạnh giá của mùa đông hay nắng nóng của mùa hè, đàn vật nuôi đều rất dễ mắc bệnh, nhất là các loại bệnh liên quan đến đường hô hấp (cúm ở gia cầm); dịch tả ở lợn; tụ huyết trùng ở trâu, bò, lợn… Bởi vậy, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh ta, nhất là khi thời gian gần đây, đàn vật nuôi đang có xu hướng tăng nhanh: đàn gia cầm đã đạt gần 8 triệu con (tăng khoảng 1 triệu con so với cùng kỳ); đàn gia súc cũng đang phục hồi sau đợt dịch lở mồm, long móng kéo dài từ cuối tháng 12-2010 đến giữa tháng 5-2011 và đạt trên 120 nghìn con trâu, bò; 550 nghìn con lợn.

 

Bảo vệ đàn vật nuôi sẽ giúp giữ vững tổng đàn gia súc, gia cầm trong nhân dân, ổn định nguồn cung và tạo thị trường bình ổn. Do đó, ngay từ đầu vụ xuân - hè, Chi cục Thú y tỉnh đã yêu cầu trạm thú y các huyện, thành, thị chỉ đạo lực lượng thú y cơ sở rà soát số lượng đàn trâu, bò, lợn, vịt, gà và tuyên truyền về công tác vệ sinh, phòng bệnh đến các hộ chăn nuôi; các bệnh thường gặp ở đàn gia súc, gia cầm trong mùa nắng nóng thông qua hệ thống loa truyền thanh của xóm, qua các hội nghị lồng ghép tại cơ sở; hoàn thành tiêm phòng các loại vắc xin đợt 1, phòng bệnh (tụ huyết trùng, LMLM, dịch tả…) cho đàn vật nuôi ngay trong tháng 4…

 

Hiện, biện pháp phòng bệnh cho đàn vật nuôi đang được các huyện, thành, thị triển khai là hướng dẫn, vận động các hộ, trang trại chăn nuôi phòng chống nắng nóng cho vật nuôi bằng cách vệ sinh chuồng, trại sạch sẽ, xử lý chất thải an toàn trước khi đưa ra môi trường, giảm mật độ nuôi, tăng cường che, chắn, làm mát, bảo đảm độ thông thoáng chuồng nuôi; chủ động nắm bắt lịch cắt điện của địa phương, có máy phát điện và dự trữ dầu máy để chủ động nguồn điện.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: Ngoài những biện pháp trên thì các địa phương cũng cần lưu ý người dân không thả rông gia súc vào những ngày nắng nóng, nhất là thời gian từ 10-16 giờ hằng ngày; tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn hợp lý, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi, cung cấp đủ nước sạch; thực hiện khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, đường làng, ngõ xóm, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm…

 

Cùng với đó thì các địa phương, lực lượng Thú y cũng phải thường xuyên giám sát dịch tễ tại các ổ dịch cũ, các khu chợ có nguy cơ phát dịch cao để chủ động chống dịch bệnh, nhất là dịch tai xanh, cúm gia cầm, dại chó, LMLM (hiện cả nước đã có 8 tỉnh xuất hiện dịch bệnh tai xanh, trong đó có Bắc Ninh, “hàng xóm” của tỉnh ta.