Phú Bình tập trung chống hạn cho lúa

07:40, 15/05/2012

Thời tiết nắng nóng kéo dài đã khiến cho nhiều diện tích lúa xuân của huyện Phú Bình bị hạn hán nghiêm trọng, sâu bệnh phát triển nhanh chóng đã gây ảnh hưởng lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Hiện nay, các ngành chức năng của huyện đang khẩn trương tập trung mọi nguồn lực, triển khai các biện pháp để trừ sâu bệnh và chống hạn cho lúa.

Những ngày này, có mặt tại cánh đồng xóm Làng Ngoài, xã Tân Hòa dưới cái nắng hè gay gắt, chúng tôi chứng kiến cảnh bà con nông dân đang miệt mài làm cỏ, bón phân, khơi mương dẫn nước, phun thuốc trừ sâu cho lúa… Chỉ tay vào đám ruộng đã bắt đầu ngả sang màu vàng úa của gia đình mình, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết: Năm nay gia đình tôi cấy 8 sào lúa. Hồi đầu vụ thời tiết khá thuận lợi, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Nào ngờ, đúng lúc lúa đang thời kỳ làm đòng thì nắng nóng liên tục, toàn bộ diện tích lúa của gia đình tôi bị hạn hán nặng, đã vậy lại còn bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng…Mấy ngày nay dù trời đã có mưa rải rác nhưng lượng mưa không đáng kể, chỉ đủ ướt chân ruộng. Cả gia đình tôi vẫn phải túc trực ở cánh đồng để khơi mương dẫn nước về ruộng và phun thuốc trừ sâu cho lúa với hy vọng sẽ cứu được toàn bộ diện tích lúa của gia đình không để ảnh hưởng đến năng suất.

 

Dẫn chúng tôi đi kiểm tra tình hình sản xuất, Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Tân Hòa cho biết: Trong tổng số 272 ha lúa xuân của toàn xã hiện nay thì có đến 80% diện tích đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và trên 150 ha bị nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng. Hạn hán và sâu bệnh xảy ra đúng lúc cây lúa đang thời kỳ làm đòng nên chắc chắn vụ xuân năm nay, năng suất lúa của xã sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Để đối phó với những khó khăn trên, chính quyền xã đã tích cực chỉ đạo bà con huy động mọi nguồn lực và tận dụng tất cả các nguồn nước từ ao, hồ, suối, giếng…để cứu hạn cho lúa. Đối với diện tích lúa nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng, cán bộ khuyến nông cũng đã hướng dẫn bà con tiến hành phun thuốc phòng trừ và theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh theo sự chỉ đạo của Trạm bảo vệ thực vật huyện. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường, cùng với tình trạng khan hiếm nước như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho rầy nâu, rầy lưng trắng phát triển và gây hại nên việc phòng trừ gặp nhiều khó khăn.

 

Tình trạng hạn hán và sâu bệnh phát triển mạnh trên trà lúa xuân không chỉ xảy ra ở riêng xã Tân Hòa mà còn là tình trạng chung của hầu hết các xã trên địa bàn huyện như: Tân Khánh, Tân Thành, Nga My, Đồng Liên, Đào Xá, Tân Kim…Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) huyện, vụ xuân năm nay toàn huyện gieo cấy được 4.994 ha lúa xuân, trong đó có 1.044 ha lúa lai (chiếm 20%), và 2.250 ha lúa cao sản. Tính đến thời điểm này toàn huyện có khoảng 70% diện tích lúa bị thiếu nước, trong đó có khoảng 30% diện tích bị hạn nặng. Cùng với đó, khoảng 3.500 ha lúa bị nhiễm rầy nâu (chiếm 70% tổng diện tích lúa xuân), trong đó có 300ha lúa bị nhiễm nặng với tỷ lệ trên 3.000 con/m2 (tương đương 6% diện tích), 300 ha bị nhiễm trung bình từ 1.500 con/m2 và khoảng 2.900 ha nhiễm nhẹ từ 700 đến 1.500 con/m2, (tương đương 58% diện tích)…

 

Ông Phạm Văn Oanh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện cho biết: Đã lâu lắm rồi ngành Nông nghiệp huyện Phú Bình mới lại phải đối mặt với những khó khăn lớn như hiện nay. Đầu năm, dịch Cúm H5N1 xảy ra trên địa bàn đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi của huyện. Nay, hạn hán và sâu bệnh lại tiếp tục đe dọa đến trà lúa xuân của huyện. Không riêng gì cây lúa mà các loại cây hoa màu khác như: ngô, lạc, đậu tương… cũng đang trong tình trạng tương tự. Trên địa bàn huyện hiện nay có 4 công trình hồ chứa nước lớn do Trạm Khai thác thủy lợi quản lý và điều tiết nước. Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua đã khiến cho lưu lượng nước tại các hồ lớn xuống đến mức báo động. Hiện, lượng nước ở các hồ đập chỉ bằng khoảng 30% so với mọi năm. Điển hình như hồ Trại Gạo ở xã Tân Hòa với trữ lượng nước 22 triệu m3, hàng năm đảm bảo nước tưới cho trên 300ha đất nông nghiệp của xã Tân Hòa và một phần tiếp nguồn cho hồ Quẫn, xã Tân Đức nhưng hiện nay mực nước đã xuống dưới mực nước chết và không thể tháo nước phục vụ sản xuất…Mặc dù, mấy ngày gần đây thời tiết đã dịu hơn và đã có mưa rải rác, tuy nhiên lượng mưa thấp nên không đủ để tích trữ ở các hồ đập, chính vì vậy nguy cơ xảy ra hạn hán nặng trong thời gian tới là rất lớn.

 

Trước tình hình trên, UBND huyện đã tổ chức họp khẩn cấp Ban Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, thống nhất các biện pháp ứng phó với tình hình hạn hán và phòng trừ sâu bệnh trên lúa xuân. Đề nghị Công ty Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, Công ty Khai thác thủy lợi sông Cầu xây dựng bổ sung lịch mở nước trên hệ thống thủy nông mà đơn vị đang quản lý để cung cấp nước tưới cho diện tích lúa của các xã, thị trấn, tạo mực nước dâng trên mặt ruộng lúa để tăng hiệu quả của công tác phòng trừ rầy nâu…Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban liên quan tích cực theo dõi, hướng dẫn bà con nhân dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh và phòng, chống hạn cho lúa.

 

Ngay sau khi có chỉ đạo của UBND huyện, Phòng NN & PTNT đã phân công cán bộ về từng địa bàn, cơ sở để kiểm tra và triển khai các biện pháp chống hạn, chống rầy. Xây dựng phương án chống hạn chi tiết, cụ thể đến từng xã, từng thôn, từng cánh đồng; huy động lực lượng, các phương tiện máy, thiết bị (kể cả phương tiện thủ công), tạo nguồn từ kênh, mương, hồ, đập, ao... để dẫn nước, bơm nước tưới cho diện tích lúa đang bị hạn hán, đặc biệt ưu tiên nước cho diện tích lúa đang trổ đòng và diện tích lúa bị nhiễm rầy; tiếp tục kiểm tra lại mực nước các hồ, đập, nguồn nước ở các sông, hồ, ao và diện tích tưới của từng vùng để điều chỉnh kế hoạch tưới hợp lý, tiết kiệm; theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn và sâu bệnh trên cây trồng và thường xuyên thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời ứng phó. Trạm Bảo vệ thực vật cũng tăng cường cán bộ kỹ thuật về các vùng trọng điểm để phối hợp, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng trừ rầy; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ rầy đến từng hộ nông dân. Chỉ đạo, yêu cầu các hộ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn huyện bán đúng các loại thuốc trừ rầy đặc hiệu; kiểm tra, xử lý các hộ bán thuốc ngoài danh mục, thuốc kém chất lượng, quá hạn sử dụng và tăng giá bán thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.

 

Thực hiện khuyến cáo của các nghành chức năng, bà con nông dân huyện Phú Bình đang tích cực phun thuốc trừ sâu phòng trừ bệnh rầy nâu và rầy lưng trắng gây hại trên lúa xuân.