Lãi suất thấp: Sự chia khó hay chiêu của ngân hàng?

16:31, 27/06/2012

Với gói lãi suất 7%/năm thì 6 tháng là 3,5%, cộng với biến động tỷ giá 3% thì mức lãi vay trong 6 tháng là 6,5%, cho nên, 1 năm sẽ tương ứng là 13%.

Trong khi khách hàng còn đang kêu than khó vay vốn, cho dù chấp nhận lãi cao, thì có ngân hàng tung ra gói lãi suất 7% hoặc 8%/năm bỗng trở thành “lực hút” đặc biệt trên thị trường tiền tệ. Nhưng rất nhanh, dư luận lại đang có chuỗi phản ứng: Nghi hoặc và lo lắng!

 

7% hay 13%?

 

Có thể nói nửa đầu năm 2012 đã trôi qua trong bối cảnh cơn khát tiền của doanh nghiệp và người tiêu dùng lên cao độ. Hậu quả nhãn tiền là nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm mạnh, hàng tồn kho của các doanh nghiệp chất đống, đặc biệt là lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể… tăng đột biến so với nhiều năm qua.

 

Lãi suất cho vay của ngân hàng xuống thấp luôn là mong mỏi của khách hàng

 

Trong bối cảnh đó, hầu bao của các ngân hàng được ví như những chiếc gậy cho các khách hàng (doanh nghiệp và người tiêu dùng) cố nhoài tới để ôm mong tránh… chết đuối. Và, như một giấc mơ, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa triển khai chương trình cho vay VND với lãi suất chỉ 7%/năm, áp dụng cho tất cả các khách hàng cá nhân, doanh nghiệp với thời hạn vay từ nay đến cuối năm 2012.

 

Cụ thể, để tiếp cận lãi suất trên, khách hàng phải có một thỏa thuận đi kèm liên quan đến biến động của tỷ giá USD/VND. Bên cạnh mức lãi suất 7%/năm, khách hàng phải cam kết bù đắp cho chênh lệch của tỷ giá USD/VND trong kỳ (từ nay đến cuối năm) tối đa là 3%; nếu tỷ giá tăng trên 3%, Eximbank sẽ chịu thay khách hàng phần vượt trên 3% đó.

 

Tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng tung ra gói cho vay VND với lãi suất 8%/năm và rủi ro về tỷ giá (nếu có) do khách hàng chịu.

 

Nếu chỉ nhìn vào con số lãi suất 7% hoặc 8%/năm, đây hẳn là “giấc mơ có thực” của khách hàng. Bởi, trên thị trường tiền tệ thời gian này, được thực vay với mức lãi suất 12-15%/năm đã là mơ ước của khách hàng. Vì báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng hiện nay của các ngân hàng đối với sản xuất kinh doanh phổ biến từ 14 - 16,5%/năm (thấp nhất là 12%/năm với cho vay ngắn hạn và từ 16 - 18%/năm đối với cho vay trung, dài hạn).

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, bản chất của lãi suất 7%/năm thì 6 tháng là 3,5%, cộng với biến động tỷ giá 3% thì mức lãi vay mà khách hàng vay trả trong 6 tháng là 6,5%, cho nên, 1 năm sẽ tương ứng là 13%. Trường hợp khách hàng vay ngắn hơn 6 tháng, mức lãi suất sẽ còn cao hơn 13%. Như vậy, chưa hẳn vay lãi 7%/năm đã là rẻ.

 

Ăn một quả trả một cục vàng?

 

Tung ra vào thời điểm cơn khát vốn đang như trận đại hạn đối với hầu hết các doanh nghiệp và người tiêu dùng, những tưởng mức lãi suất 7% hoặc 8%/năm như mang đến cơn mưa để giải khát cho sự đói vốn ấy. Nhưng bằng những phân tích của các chuyên gia, và sự lý giải từ chính các ngân hàng có gói lãi suất này, lại đang khiến dư luận và những “thượng đế” của ngân hàng ắt phải lo lắng, vì mấu chốt nằm ở sự biến động của tỷ giá USD/VND.

 

Mặc dù theo ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc Eximbank giải thích: Việc bảo hiểm tỷ giá như vậy là để tạo niềm tin cho người vay mạnh dạn vay VND, khống chế được rủi ro tối đa trong khi mức lãi suất 7%/năm là một mức thấp thực tế. Điều này cũng giúp họ kiểm soát được chi phí vay vốn, giảm thiểu được chi phí vay vốn.

 

Phải chăng đây chỉ là một chiêu mà ngân hàng đã dùng để đánh vào tâm lý “ham rẻ” và “khát thì phải uống” của khách hàng? Hẳn là do nhu cầu cấp thiết, trước áp lực lãi suất cao, con số lãi 7%/năm sẽ hấp dẫn và có sức che bớt rủi ro về tỷ giá  giúp khách hàng dũng cảm hơn khi ký hợp đồng vay vốn. Phải chăng vì thế mà trong thời gian rất ngắn, khoảng 1 tuần nay, sau cách “tạo niềm tin” như của Eximbank, báo giới đã loan tin bản thân ngân hàng này đã giải ngân được hơn 1.200 tỉ đồng ở mức lãi suất này. Còn Ngân hàng ACB cũng đã giải ngân khoảng 2.000 tỉ đồng đối với gói cho vay VND với LS vay 8%/năm và rủi ro về tỷ giá (nếu có) do khách hàng chịu…

 

Những con số giải ngân này đã phần nào chứng minh tính hữu ích của chương trình “tạo niềm tin” này của các ngân hàng. Nhưng câu hỏi trung tâm là: Mấu chốt nằm ở biến động tỷ giá, nhưng ai làm chủ tỷ giá? Câu trả lời là: Không ai! Phải chăng, cái cớ niềm tin đang nằm trong những dự báo. Tiêu biểu là theo Ngân hàng Nhà nước định hướng, biến động tỷ giá trong năm nay chỉ ở khoảng 2 - 3%; hiện tại thì tỷ giá USD/VND đang ổn định…

 

Theo lời ông Phước, “với lãi suất như vậy, với tỷ giá ổn định thì có thể xem đây là một đóng góp nhỏ bé của Eximbank với thị trường”. Nhưng đó là nếu tỷ giá ổn định. Còn khi không ổn định thì sao? Theo điều kiện cam kết mà Eximbank đưa ra, mức chênh lệch tỷ giá vượt 3%, ngân hàng sẽ chịu phần vượt đó. Nhưng các chuyên gia đã chỉ ra, chỉ cần trong giới hạn 3%, khách hàng đã phải gánh mức lãi suất tương ứng là 13%/năm.

 

Hơn nữa, từ ngày 26/12/2011 đến nay, tỷ giá ngoại tệ bình quân liên ngân hàng đứng ở mức 20.828 đồng/USD, giá USD tại các ngân hàng thương mại biến động quanh mức 20.870 - 20.970 đồng/USD. Tất nhiên, tỷ giá những tháng cuối năm ra sao, vẫn đang là ẩn số. Dự báo thường vẫn có cái lý riêng của dự báo!

 

Đặc biệt, theo TS Lê Thẩm Dương- Trưởng khoa Quản trị Doanh nghiệp Trường Đại học Ngân hàng TP HCM, khẳng định trên báo chí rằng áp lực kinh tế vĩ mô khi nhu cầu ngoại tệ tăng lên vào cuối năm là hoàn toàn có. Khi đó giá ngoại tệ có khả năng bị “bóp méo”.

 

 

Còn ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) – cũng cảnh báo, rủi ro lớn nhất ở đây là khi các ngân hàng phải mua lại nguồn ngoại tệ để trả lại trạng thái ngoại tệ ban đầu (vì đã chuyển đổi từ USD về VND để cho vay  mức lãi suất thấp). Điều này sẽ áp lực lên tỷ giá. Trong trường hợp tỷ giá tăng mạnh như đã xảy ra trước đây (có lúc tăng 9,3%) thì cả người vay và ngân hàng cho vay đều rủi ro./.