Cần có tư duy mới trong sản xuất tập trung

08:21, 02/07/2012

Quốc lộ 37 từ thị trấn Đại Từ lên Yên Lãng, qua vùng đất Bản Ngoại, thời điểm này chúng tôi thấy cơ man nào là dưa hấu, dưa bở, dưa lê được người dân bày bán dọc 2 bên đường. Đây là giống cây mới được người dân địa phương đưa vào trồng khoảng 5 năm trở lại đây và đang từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế trên đồng đất này.

Với ý định mua vài quả dưa hấu về làm quà cho mọi người, chúng tôi tìm vào những ruộng dưa ở xóm Rừng Lâm để có dịp “tha hồ” lựa chọn. Khác với cảnh tấp nập người mua, kẻ bán thường thấy khi vào vụ thu hoạch dưa, năm nay không khí trên các ruộng dưa trầm lắng hơn. “Vụ dưa này chất lượng kém hơn so với các vụ dưa trước” - đó là lời nhận xét của không ít bà con nông dân nơi đây.

 

Đi qua rồi đi lại, cuối cùng chúng tôi dừng chân ở ruộng dưa của gia đình chị Lê Thị Hoa, xóm Rừng Lâm được cho là ruộng dưa đạt chất lượng tốt trong vụ này. Chỉ tay vào những quả dưa căng tròn, mỗi quả cỡ khoảng 2-3kg lúc nhúc như những chú lợn con lẫn trong màu xanh của lá, chị Hoa “khoe”: Cả vùng quanh đây, ít người trồng dưa được như gia đình tôi lắm. Bởi vụ xuân năm nay thời tiết thất thường, hạn hán kéo dài vào thời điểm cây sinh trưởng và phát triển, tiếp đó vào thời điểm cho thu hoạch dưa lại gặp mưa làm 1/3 diện tích dưa của vùng bị nứt, hỏng, chất lượng thấp hơn các vụ trước. Gia đình tôi trồng 3 sào dưa, chuyển đổi từ 2-3 năm nay, năng suất dưa đạt 8-9 tạ/sào, với giá bán trung bình 7 nghìn đồng/kg, thu nhập khoảng 12 triệu đồng trở lên.

 

Cùng đi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Ngoại cho biết: Cây dưa hấu được người dân địa phương đưa vào trồng từ năm 2008. Từ đó đến nay, đa phần người dân canh tác dưa hấu liên tục trên cùng nền đất nên năng suất, chất lượng dưa không đảm bảo. Chúng tôi đã khuyến cáo bà con là tốt nhất nên chọn đất mới, trồng 1 đến 2 vụ nên luân canh, cách 2-3 năm mới trồng lại. Tuy nhiên, do tâm lý người dân thấy năng suất dưa vẫn cao nên ít chịu luân canh, từ đó tích lũy mầm bệnh, nhất là bệnh héo rũ do nấm Fusarium khiến chi phí phòng trừ sâu bệnh cao, hiệu quả kinh tế giảm đi. 

 

Thêm nữa, năm nay dưa có giá bán cũng thấp hơn so với cùng kỳ hàng năm. Nguyên nhân được bà con đưa ra là do thời điểm thu hoạch lại trùng với thời điểm nhiều loại hoa quả như vải, mận… cũng vào vụ nên giá thành cũng thấp hơn. Đầu vụ, bà con bán buôn được 10 nghìn đồng/kg, về sau bán chỉ được 5 nghìn, 6 nghìn đồng/kg.

 

Trong khi nhiều người trồng dưa hấu than vãn thì một số hộ trồng dưa lê lại “cười”. Là một trưởng xóm trẻ, năng động, anh Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng xóm Phố hỉ hả: Thấy người dân quanh vùng đua nhau trồng dưa hấu, tôi lại chọn cây dưa lê để trồng. Đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, tôi chỉ chuyển 1 sào lúa sang trồng dưa lê, vừa làm vừa học hỏi dần. Kết quả khá bất ngờ, trồng dưa lê không mất nhiều công như trồng dưa hấu, năng suất đạt 8tạ/sào, giá bán tại ruộng thấp cũng được 15 nghìn đồng/kg. Từ 1 sào dưa lê, gia đình tôi thu về hơn 10 triệu đồng…

 

Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Bản Ngoại không chỉ giúp tư duy, nhận thức của người nông dân thay đổi theo mô hình sản xuất hàng hóa tập trung mà còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng một khi đã làm theo cái mới, bà con nông dân ta không nên duy trì tư duy cũ vào sản xuất sẽ khiến hiệu quả không cao, có khi còn gây thiệt hại cho chính mình.